'Xanh hóa thương hiệu' để hàng Việt tăng độ lan tỏa, các doanh nghiệp cần chủ động 'đón sóng'

Các doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm từng bước tạo vị thế trên “đường đua xanh hóa thương hiệu”. Điều này giúp sản phẩm tạo lợi thế trên thị trường, tuy nhiên lộ trình này lại không dễ dàng mà nhiều gập ghềnh, nhất là đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
xanh-hoa-thuong-hieu-hang-viet-nam-2-1719648009.jpg
Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá. (Ảnh minh họa)

Hàng Việt ngày càng mở rộng thị phần nhờ chất lượng và thương hiệu

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025. Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng vô cùng cạnh tranh và đòi hỏi doanh nghiệp Việt, hàng Việt không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm trên “đường đua” xanh hóa thương hiệu và hướng đến thương hiệu bền vững, nhằm giữ vững sân nhà và vươn ra thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cùng sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đồng thời, thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, không ít ngành hàng của Việt Nam đã và đang mạnh dạn bước ra thế giới, tạo vị thế vững chắc tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu.

xanh-hoa-thuong-hieu-hang-viet-nam-4-1719648071.jpg
Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm với những kết quả tích cực, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (lên đến 102%) trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2023.

Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.

Trong khi đó, khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ ra rằng, có 80% người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua; hơn 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Những con số này, cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận, sử dụng hàng Việt.

Lộ trình doanh nghiệp phát triển bền vững từ xanh hóa thương hiệu

Một số chuyên gia nhận định mỗi doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh đều có tác động động đến xã hội nên doanh nghiệp cần xác định chiến lược phát triển công ty gắn liền với sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. Trên cơ sở này, doanh nghiệp sẽ chủ động tạo ra những tiêu chuẩn, chương trình hành động phù hợp cho công ty và khách hàng, cũng như toàn chuỗi cung ứng để đáp ứng không chỉ người tiêu dùng nội địa mà cả thị trường toàn cầu.

Thống kê, hiện tại trong trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được khoảng 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh, gồm: nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041…

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, thách thức lớn nhất mà họ đang đối mặt cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu là thương mại xanh và xu hướng này đang tạo ra một số rào cản nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

xanh-hoa-thuong-hieu-hang-viet-nam-3-1719648118.jpg
Mỗi doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh đều có tác động động đến xã hội nên doanh nghiệp cần xác định chiến lược phát triển công ty gắn liền với sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đối với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực… Ngoài ra, không ít doanh nghiệp chưa tiếp cập được kiến thức và kinh nghiệm về các quy trình sản xuất xanh nên gặp gây khó khăn trong việc triển khai và duy trì phương thức sản xuất kinh doanh xanh, hướng đến thương hiệu bền vững.

Mặt khác, tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu càng gặp nhiều thách thức về đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truyền thông, quảng bá thương hiệu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó không phải yếu tố nào khác mà chính là yếu tố xanh và bền vững, nên Việt Nam cần một cộng đồng doanh nghiệp xanh đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp tiên phong hay làm theo phong trào.

“Một trong những con đường để doanh nghiệp đến với thương hiệu bền vững, vươn ra thị trường toàn cầu là xanh hóa thương hiệu, ngoài việc không ngừng cải tiến chất lượng. Vì tuân thủ các tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện môi trường; nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác,” ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm./.