Liên kết lỏng lẻo hoạt động xúc tiến thương mại chưa tạo sức bật cho hàng Việt

Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua liên kết vùng giúp các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Tuy vậy, thời gian qua hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả khi mô hình xúc tiến thương mại giữa các vùng không đồng nhất. Tính liên kết trong hoạt động giữa các cơ quan xúc tiến thương mại giữa Trung ương với địa phương vẫn còn lỏng lẻo.
xuc-tien-thuong-mai-lien-ket-vung-4-1725588129.jpg
Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua liên kết vùng giúp các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Mô hình xúc tiến thương mại giữa các vùng không đồng nhất

Chia sẻ về hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè Tân Cương (Thái Nguyên), bà Nguyễn Thị Hương Vân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hương Vân Trà cho biết, việc liên kết vùng là hết sức quan trọng. HTX liên kết với bà con để làm sao sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, đồng thời phối kết hợp với Sở Nông nghiệp, Sở Khuyến nông để hướng dẫn bà con chăm sóc theo đúng quy trình.

“Nếu chúng ta không liên kết, không dùng đúng phương thức DN sẽ không bao giờ đi xa được. Trong một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt, bởi muốn tập hợp được tất cả những sản phẩm trong vùng sẽ rất cần những trung tâm thương mại quy mô lớn. Khách hàng đến đó có thể lựa chọn được tất cả các sản phẩm của các vùng miền, của các tỉnh là một điều thuận lợi nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, bà Vân nói.

Thông qua kết nối của ngành Công Thương giữa tỉnh này với tỉnh kia, các DN có điều kiện tìm hiểu và trao đổi những sản phẩm hàng hóa, dễ dàng kết nối với nhau trong khâu tiêu thụ. Đây là mô hình bước đầu thành công được ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ khi nói về liên kết vùng trong xúc tiến thương mại tại địa phương.

Theo đó, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tạo điều kiện cho các DN và các HTX, các chủ thể đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được tiếp xúc trực tiếp cũng như gián tiếp trao đổi, tiêu thụ sản phẩm của các vùng miền. Ngoài ra, Bắc Kạn còn thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa hàng hóa trong tỉnh cũng như trong vùng ra thị trường nước ngoài.

“Tiến tới Bắc Kạn sẽ xúc tiến thêm các mặt hàng đạt tiêu chuẩn cao sang một số địa bàn khác và thị trường một số nước, tạo điều kiện cho các DN, HTX trong tỉnh có điều kiện xuất khẩu, làm tăng giá trị lợi nhuận về cho bản thân các chủ thể và cũng như địa phương. Cần có thêm chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục xuất nhập khẩu cũng như sự phối hợp chặt chẽ trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, những vùng lân cận nhau để hoạt động xúc tiến thương mại liên vùng mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Sáng bày tỏ.

xuc-tien-thuong-mai-lien-ket-vung-3-1725588174.jpg
Bộ Công Thương trong giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết vùng một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chủ trì tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu tại các vùng kinh tế trọng điểm. Thông qua các Chương trình này, Bộ Công Thương trực tiếp tham gia đồng hành cùng các địa phương trên mỗi vùng kinh tế nhằm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô lớn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết nhân lực thiếu, tính liên kết trong hoạt động giữa cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo… khiến hoạt động này chưa thật sự đạt được hiệu quả lớn. Do vậy, tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn công tác tham gia xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, tạo tiền đề cho xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm.

Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đối với xúc tiến thương mại, Chính phủ và Bộ Công Thương đã đưa ra rất nhiều những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thúc đẩy liên kết vùng bằng cách đưa ra những quy hoạch về phát triển các vùng kinh tế, thành lập các Tổ Điều phối về liên kết vùng…

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại liên kết vùng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Bộ Công Thương trong giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết vùng một cách hiệu quả. Cụ thể, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia, chương trình phát triển thương hiệu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm…

Những chương trình này đặt ưu tiên để địa phương cùng ngồi bàn thảo, tìm ra và hợp tác để thực hiện hoạt động có quy mô tham gia từ tối thiểu 2 địa phương trở lên và của một số những ngành hàng trọng điểm, chủ lực có thế mạnh nhất định của từng địa phương. Với những chính sách ưu tiên tập trung trọng tâm, trọng điểm trong việc tăng cường hoạt động có quy mô lớn và tính liên kết cao hơn sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước hiện nay không có sự đồng nhất, khiến tính chất liên kết, hợp tác việc điều phối những công việc chung gặp nhiều bất cập. Cùng đó, chưa có cơ sở hạ tầng để giúp cho việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở quy mô lớn. Đặc biệt việc đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cho doanh nghiệp, nâng cao dân trí vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cùng với các địa phương để xúc tiến thương mại quy mô hơn, tổ chức đi khảo sát thị trường những đoàn lớn hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài. Điều này giúp xúc tiến thương mại mang tính chất là quy mô lớn, tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho doanh nghiệp. Đó sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ xúc tiến thương mại liên kết vùng mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong năm 2025.

xuc-tien-thuong-mai-lien-ket-vung-1-1725588218.jpg
Tọa đàm với chủ đề “Tận dụng hiệu quả nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại” thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, thông qua chuỗi những Hội nghị xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết xuyên suốt 6 vùng kinh tế, là dịp để các chủ thể trao đổi, tìm ra những giải pháp xúc tiến thương mại có tính chất gắn kết, hợp lực tốt hơn giữa các vùng kinh tế.

“Các cơ quan quản lý cũng như các DN đều nhận thức được tầm quan trọng và xu thế tất yếu của việc cần phải chung tay, hợp lực, kết hợp với nhau để tham gia vào các hoạt động có tính chất liên kết vùng. Nhiều điều kiện, môi trường để DN có thể tham gia sâu hơn vào những hoạt động quảng bá và phát triển sản phẩm. Thay vì chỉ loanh quanh trong địa phương, thông qua chuỗi gắn kết, sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều hơn ở quy mô nội vùng và tiếp cận liên vùng”, bà Thủy nhìn nhận.

Để thực hiện được hiệu quả các hoạt động liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, bà Thủy cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các Hội nghị về xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế, tìm ra những lĩnh vực cần thiết, cấp thiết cho xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng.

“Cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ và liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Phải xác định liên kết vùng là mục tiêu để hàng hóa của Việt Nam đi xa hơn”, bà Thủy nhấn mạnh./.

Bình Châu