Hà Tĩnh: Nuôi lợn rừng bằng thảo dược, khách hàng ưa chuộng

Từ 4 con lợn rừng nuôi thử nghiệm, thấy lợn phát triển tốt, thịt lợn được khách hàng ưa chuộng nên anh Giang đã mở rộng, phát triển đàn. Đặc biệt, lợn rừng chỉ ăn rau củ quả, các loại lá nên chi phí thức ăn không đáng kể, thịt lại thơm ngon.

Năm 2014, anh Trần Nam Giang (trú tại thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nuôi 4 con lợn rừng tại gia đình. Ban đầu, anh cũng chỉ nghĩ nuôi cho vui, nhưng thấy được hiệu quả kinh tế, sản phẩm thịt lợn rừng được khách hàng ưa chuộng, đã mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi.

lon-dai-dien-1641345719.jpg

Mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Giang. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Từ 4 con lợn rừng nuôi ban đầu, đến nay, sau 4 năm anh đã mở rộng mô hình phát triển đàn lợn thành 200 con lợn thịt, 20 con lợn nái, mỗi năm lợn nái sinh sản 2 lứa, bình quân mỗi lứa 10 con.

Chuồng trại nuôi lợn rừng được anh Giang đầu tư bài bản có hệ thống xử lý nước thải có bể lắng, bể lọc được sử dụng chế phẩm sinh học. Hàng ngày, chất thải được dọn sạch để ủ phân hữu cơ nên chuồng trại luôn sạch sẽ, không có ruồi muỗi, có bãi thả làm sân chơi cho lợn.

lon-3-1641345586.jpg

Ngoài nuôi lợn thịt, anh Giang còn cung cấp lợn giống cho bà con. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Anh Giang cho biết: Nuôi lợn rừng khỏe, ít tốn công chăm sóc và lợn rừng có khả năng chống chịu bệnh tốt do đó không phải tiêm phòng. Thức ăn cũng khá đơn giản đó là các loại rau, củ, quả có sẵn tại địa phương. Đối với lợn thịt, vài ngày anh còn nấu cơm gạo lứt ủ men 3- 5 ngày sau đó trộn cùng các loại thức ăn khác để cho lợn ăn.

Đặc biệt từ đặc tính của lợn rừng, anh đã nghiên cứu, trồng cây nguyên liệu, trồng cây thảo dược…. để làm thức ăn cho lợn, vừa tăng sức đề kháng, vừa hạn chế bệnh và tăng độ thơm ngon cho thịt.

lon-1641345531.jpg

Lợn rừng chủ yếu ăn rau, củ, quả.... Ảnh: Nguyễn Duyên.

Chia sẻ cùng phóng viên anh Giang cho hay: Với lợn rừng, mỗi ngày chỉ cần cho đàn lợn thức ăn tinh một lần, còn lại là cho ăn các loại rau, củ, quả như cỏ voi, các loại rau, trái theo mùa và cây chè khổng lồ (chè đại). Đây là loại cây có tác dụng bổ sung nguồn chất đạm và tốt cho tiêu hóa của lợn.

Do vậy, các hộ nuôi có thể chủ động nguồn thức ăn cho lợn ngay tại hộ gia đình bằng cách trồng các loại cây là thức ăn của lợn trong vườn nhà mình.

lon-4-1641345976.jpg

Cây chè khổng lồ, được trồng để làm thức ăn cho lợn. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Lợn rừng sau một năm nuôi có thể xuất bán, lúc này, trọng lượng lợn đạt từ 30 - 40 kg/con. Sản phẩm lợn rừng của anh được khách hàng đến tận nhà đặt mua, mỗi kg lợn hơi bán ra thị trường từ 160.000 đồng, còn lợn giống bán với giá 200 ngàn đồng/kg. Sản phẩm thịt lợn rừng có thể bán được quanh năm, đặc biệt vào các dịp lễ, tết gia đình anh không đủ hàng để cung cấp cho khách hàng.

Mô hình nuôi lợn rừng được thực hiện khép kín từ con giống đến khi sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng.

lon-rung-6-1641346486.jpg

Quy trình nuôi lợn của anh Giang và các thành viên trong THT. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Từ mô hình nuôi lợn rừng có hiệu quả của anh Giang, đến nay, tại địa phương đã phát triển thành tổ hợp tác nuôi lợn rừng với 7 thành viên. Là một cán bộ công tác tại UBND xã Sơn Trường, do vậy, anh Giang phải tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc và thuê thêm nhân công để chăm sóc đàn lợn.

Sản phẩm thịt lợn rừng của anh đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận, có những thời điểm không đủ sản phẩm để cung ứng cho khách hàng. Nhà mổ lợn được đầu tư rộng rãi, sạch sẽ lát gạch hoa, để chuẩn bị cho công đoạn mổ lợn đóng gói, hút chân không tạo nên thương hiệu thịt lợn rừng sạch OCOP của địa phương để cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn..../.

Nguyễn Duyên