Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là hệ thống sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Nhằm lan toả lợi ích của Chương trình, từ năm 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè tại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) và xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) với 100 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hướng dẫn áp dụng tổng hợp các biện pháp như trồng và chăm cây khoẻ; thăm vườn chè thường xuyên; nông dân trở thành chuyên gia khi nắm được phương pháp phòng trừ dịch hại; bảo vệ thiên địch... nhằm tạo ra các sản phẩm chè an toàn. Từ đó góp phần giảm chi phí đầu tư, giảm lượng thuốc BVTV độc hại tồn dư trong sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Đặng Thế Hoàng một hộ dân ở xã Sơn Kim tham gia chương trình chia sẻ: Tham gia mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tôi tự tin áp dụng trên diện tích trồng chè của gia đình. Nhờ nắm chắc diễn biến về sinh trưởng phát triển của cây, theo dõi liên tục dịch hại, thời tiết, đất, nước… tôi có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại. Tôi cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình với chất lượng an toàn của sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng. Áp dụng phương pháp này giúp tôi tiết kiệm chi phí hơn 5 triệu đồng/ha, năng suất tăng 3 tấn/ha nên tăng thu nhập gần 10 triệu đồng/ha so với trước đây.
Trước đây, trong quá trình sản xuất, người dân trên địa bàn sử dụng thuốc BVTV rất nhiều từ 10 - 12 lần/năm, dù sâu bệnh gây hại còn ở mức nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng song bà con vẫn tiến hành phun, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ khi được tham gia mô hình, bà con đã hiểu được thế nào là sâu bệnh tới ngưỡng phải phòng trừ và thiên địch, một trong bốn nguyên tắc căn bản của IPM là bảo tồn thiên địch - kẻ thù tự nhiên của các sâu hại trên đồng ruộng.
Do đó, việc tìm hiều tập tính ăn mồi, ký sinh của các loại thiên địch có sẵn trên đồng ruộng là hết sức quan trọng, giúp chúng ta lợi dụng các loài thiên địch để khống chế sâu hại dưới ngưỡng kinh tế. Từ khi người dân áp dụng vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, thiên địch như bọ rùa, chuồn chuồn, ong đã phát triển lên, khống chế được sâu rầy. Hiện nay, bà con chỉ phun thuốc khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại.
Mô hình áp dụng phòng trừ sâu bệnh theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng đã giúp giảm số lần phun thuốc từ 4 - 5 lần so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc. Bón phân đúng thời điểm, đủ lượng phân theo yêu cầu của cây, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất đại trà. Năng suất cây trồng tăng trung bình 4,35% so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường sống, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo tính toán cho thấy khi áp dụng phương thức này đã đem lại lợi nhuận 84.500.000 đồng/ha và cao hơn sản xuất đại trà là 11.400.000 đồng/ha tăng 4,35% về năng suất, 15,6% về giá trị.
Có thể thấy, việc áp dụng IPM đã giúp nông dân nâng cao nhận thức trong sản xuất, bón phân cân đối, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo sản xuất ra nông sản an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh bền vững, ít phát thải.
Đây là những mô hình điểm thu hút người dân học tập kinh nghiệm, làm cơ sở để tuyên truyền và nhân rộng chương trình quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp trong cộng đồng./.