Doanh nghiệp cần thích ứng xu thế tất yếu của phát triển xanh
Phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Doanh nghiệp chính là chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và xả thải chủ yếu, lớn nhất ra môi trường, nên có vai trò quan trọng trong nền kinh tế xanh. Chiến lược xanh hóa sản xuất để cung cấp ra môi trường các sản phẩm, dịch vụ xanh là yêu cầu để phát triển bền vững không chỉ cho chính doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cho tương lai không chỉ trong một quốc gia mà còn cho toàn nhân loại.
Chỉ khi nào doanh nghiệp áp dụng quá trình sản xuất xanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ xanh và được người tiêu dùng “xanh” thì nền kinh tế sẽ trở nên xanh. Khi đó, tài nguyên sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, môi trường được giữ gìn, bảo vệ; chất lượng cuộc sống con người được nâng cao. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp xanh đóng vai trò nòng cốt và là tế bào của nền kinh tế xanh.
Theo ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, xu thế cũng như đòi hỏi tất yếu của phát triển xanh và bền vững là để đáp ứng bối cảnh toàn cầu hiện nay cũng như việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tính tất yếu của xu hướng này được thể hiện trong mọi khía cạnh từ kinh tế, xã hội, môi trường tới yêu cầu của cách mạng 4.0 cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Do vậy, ông Quách Quang Đông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới phải nhận thức một cách sâu sắc và bảo đảm chiều hướng này để đưa doanh nghiệp phát triển một cách dài hạn và có chiến lược.
Điều này yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, quá trình cung ứng dịch vụ phải tính đến các yếu tố về giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đến giảm phát thải, đến các yếu tố về phát huy nguồn lực, đổi mới công nghệ, sáng tạo, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cũng như khả năng hạn chế rủi ro và nhận thức thấu đáo về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, tăng cường hội nhập và trách nhiệm đối với toàn cầu.
Bên cạnh sự chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp, trong tiến trình tăng trưởng xanh, vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách hết sức quan trọng. "Đối với nội dung này, phía cơ quan nhà nước đã xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài ra, sản phẩm xanh hiện nay cơ bản có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. "Khi chúng ta đã huy động và đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh thì tôi tin sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp tục triển khai tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh", ông Lê Việt Anh cho hay.
Xây dựng khung khổ pháp lý dành cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
Xuất khẩu hàng hoá xanh và bền vững đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, bộ ngành cần quan tâm cùng hướng đến một mục tiêu chung, đồng thuận về những giải pháp, nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới, để có thể thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào các dự án xanh.
Ông Lê Việt Anh nhấn mạnh nội dung xây dựng khung khổ pháp lý dành cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Rõ ràng về pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng của hệ thống phân loại xanh quốc gia. Đối với nội dung này, Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt và rõ ràng, tuy nhiên, trong thời gian tới các cơ quan, bộ ngành có liên quan phải phối hợp lắng nghe doanh nghiệp, để đưa ra được một hệ thống phân loại xanh đạt chuẩn mực Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Lê Việt Anh, Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được ý kiến tham gia đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cũng như khối doanh nghiệp, để ban hành được một hệ thống phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh chuẩn mực nhất, phù hợp nhất với tiến trình của quốc gia cũng như cam kết toàn cầu.
Hệ thống phân loại xanh này cũng sẽ đảm bảo được tính tiến bộ và có thể linh hoạt thay đổi hoặc bổ sung. Công nghệ sẽ thay đổi nên không thể có một hệ thống phân loại xanh cứng; chúng ta phải có một hệ thống tương đối mở, đảm bảo các công nghệ mới, các loại hình kinh doanh mới sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật vào hệ thống này và sẽ được hưởng các ưu đãi, chính sách của Chính phủ.
Điều này có nghĩa là những người tiên phong trong tiến trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sẽ là được hưởng ưu đãi chuẩn xác nhất từ phía Chính phủ.
Để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) khuyến nghị: Doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, về phía Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững... nhằm giúp doanh nghiệp có bước chuẩn bị hiệu quả và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan liên quan để thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội, nhằm tuân thủ các quy định cạnh tranh để phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.
Những bài học hay, kinh nghiệm quý cũng như các khuyến nghị, đề xuất của các chuyên gia có ý nghĩa hết sức thiết thực để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng và phát triển xanh, từ đó tạo điều kiện, mở ra những cơ hội, triển vọng hợp tác đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xanh, góp phần tích cực thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050./.