Quảng cáo #128

Cây chè giúp người dân vùng cao xứ Nghệ thay đổi cuộc sống

Sau 10 năm về sinh sống tại khu tái định cư của huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) những người dân nơi đây đã biến những vùng đồi thưa thớt cây bằng những đồi keo, những nương chè xanh mướt… Đặc biệt cây chè đã giúp người dân nơi đây đổi đời.
che-thanh-chuong-1704338273.jpg
Những đồi chè xanh ngát tại khu tái định cư Thanh Sơn, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương.

Những người tiên phong đưa cây chè về bản

Ông Lương Văn Phượng (bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) là một hộ dân khu tái định cư Thanh Sơn. Cách đây hơn 10 năm, sau khi ổn định chỗ ở tại khu tái định cư, ông đã suy tính làm thế nào để tìm kế mưu sinh trên vùng đất này, xem tập tục sinh hoạt, trồng cây của bà con nơi bản địa, hiệu quả ra sao…

Trước hết phải xem bà con bản địa họ trồng cây gì, nuôi con gì, trồng ra sao, hiệu quả thế nào đã rồi tìm cây, con phù hợp để trồng ở vườn mình, đồi mình. Ông sang các xã lân cận như: Thanh Hương, Hạnh Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh An…. Thấy người dân trồng và chế biến các sản phẩm từ cây chè đã mở ra cho ông hướng đi.

Được tỉnh, được huyện hỗ trợ, đồng hành và được tham gia các lớp tập huấn, ông quyết định cày xới đất đồi, mua hom chè giống về trồng thử. Thấy cây chè hợp khí hậu, thổ nhưỡng lại dễ chăm sóc nên cứ thế, mỗi năm trồng thêm một ít, rồi diện tích trồng chè của ông ngày càng mở rộng. Đến nay, ông Phượng đã có hơn 1,5ha chè cho thu hoạch. Mỗi năm gia đình ông cắt bán 7 - 8 lứa, sản lượng khoảng 20 tấn chè búp cũng mang lại cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Phượng cho biết: Số thu nhập đó là mơ ước của gia đình tôi, số tiền mà chưa khi nào tôi dám nghĩ đến. Nhờ cây chè mà tôi làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được tiện nghi đầy đủ, cho con cái ăn học đàng hoàng… Cây chè chính là cây “đổi đời” của gia đình tôi.

Cũng như ông Phượng, tại bản Thanh Bình (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương), ông Lữ Xuân Bích là người đầu tiên dám bỏ tiền của, công sức khai hoang đất để trồng chè tại bản. Bà con nơi đây cho biết, những ngày đầu khi chuyển về quê mới, đất sản xuất hạn chế, chưa quen môi trường mới, cung cách làm ăn mới nên rất nhiều bà con dân bản quay lại quê cũ mưu sinh.

che-thanh-chuong-2-1704338242.jpg
Người dân thu hoạch chè.

Là người đứng đầu ở bản, ông Bích đã trăn trở trong việc tìm sinh kế cho bà con. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, ông đã hành động để làm gương cho bà con bằng cách bám đất mới, quê mới làm ăn. Ông dồn tiền đền bù, dồn sức cải tạo đất trồng chè. 1ha chè của ông Bích bén đất khe Cam, sau 2 năm thì cho thu hoạch bói đã tạo động lực cho bà con dân bản đưa cây chè vào trồng đại trà. Đến nay, 90% dân bản Thanh Bình trồng chè và có thu nhập ổn định từ cây chè…

Thời điểm 2009 - 2010, lúc đó, những gia đình khác trong bản đang loay hoay tìm hướng làm ăn, không ít người quay về quê cũ ở Tương Dương mưu sinh thì những người đi đầu như ông Phượng, ông Bích… đã mở ra sinh kế mới cho bà con dân bản từ cây chè công nghiệp. Chính những người tiên phong đó một mặt kiên trì vận động bà con trong bản trồng chè, mặt khác tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè và hỗ trợ bà con ngày công trong những ngày đầu đưa cây chè vào trồng. Từ một vài hộ trồng chè, sau một năm, con số đó đã lên đến hàng chục và giờ là hàng trăm hộ trồng chè. Những đồi núi trọc, trước bỏ hoang hoặc trồng sắn, ngô kém hiệu quả nay được thay thế bằng những đồi chè xanh tốt.

No ấm từ những đồi chè

Nhớ về những ngày đầu đưa cây chè về trồng, ông Quật Văn Xuân (bản Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) nhớ lại: Ngày ấy, nghe chính quyền tuyên truyền, mở lớp tập huấn về cách chăm sóc cây chè và thu hái, bà con tái định cư chúng tôi không tin lắm vì việc này chưa làm bao giờ.

Với bà con khi còn ở quê cũ, họ chỉ quen với kiểu canh tác chọc lỗ tra hạt, quen với đặt bẫy săn, đi rừng còn việc trồng, chăm sóc một cây công nghiệp thì chưa làm bao giờ. Nhưng từ thực tế được tận mắt thấy những mô hình đi đầu của một số hộ dân trong bản đã giúp họ có thêm có niềm tin, lại được nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên đã tiếp thêm động lực để dân bản cải tạo, khai hoang đất trồng chè…

che-thah-chuong-3-1704338241.jpg
Ông Phượng (đội mũ)chia sẻ về việc trồng chè tại nơi tái định cư.

Vừa học, vừa  làm, bà con được cán bộ tận tình hướng dẫn cách xuống giống, cách tưới tiêu, cách chăm sóc và thu hái. Cùng với đó, các lớp tập huấn được tổ chức, các hộ được tham gia các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các vùng trồng chè trong huyện, tận mắt chứng kiến người dân địa phương làm giàu từ cây chè. Đặc biệt, được tạo điều kiện để kết nối, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi nên bà con không phải suy nghĩ đến chuyện bán sản phẩm cho ai. Đến mùa thu hoạch, sau một cuộc điện thoại, xe tải đã đến tận chân đồi bốc chở chè về xưởng, cân lên và nhận ngay tiền mang về.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại nên diện tích chè được trồng ở vùng tái định cư Thanh Sơn, Ngọc Lâm ngày càng tăng. Đến nay, 2 xã này đã có 412 ha chè cho thu hoạch; năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha; đem lại thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở 2 xã tái định cư giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Trên cơ sở phân tích điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và đặc tính một số cây trồng, cho thấy cây chè là cây vừa phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, vừa dễ trồng và thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2010, huyện đã tập trung chỉ đạo 2 xã này phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân đưa cây chè vào trồng. Cùng với đó, UBND huyện đã trình UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng dự án trồng chè cho đồng bào tái định cư 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm và đã được UBND tỉnh phê duyệt.  Ngoài ra, những người tham gia trồng chè ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm cũng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển cây chè.  Kiên trì đồng hành cùng bà con, đến nay, cây chè đã phủ kín đất đồi ở 2 xã tái định cư, đem lại nguồn thu ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Giờ đây, những vùng đất sản xuất đã được chia nhưng bỏ hoang nay được khoác lên một màu xanh bạt ngàn của những đồi chè. Người dân vùng tái định cư Thanh Sơn, Ngọc Lâm nay cũng không còn chỉ biết trông chờ vào những chính sách hỗ trợ, cấp phát của nhà nước nữa. Cây chè đã mang lại những vụ thu hoạch bội thu, giúp người dân có cuộc sống ấm no, sung túc./.

Nguyễn Duyên