Nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua. Có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương cung cấp các thông tin về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông, lâm, thủy sản phù hợp với nhu cầu, khả năng tiêu thụ, nhằm chủ động đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phối hợp làm việc với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, có quy mô trang trại, hộ gia đình để huy động thu mua, tập kết hàng hóa đem ra lưu thông trên địa bàn khi cần thiết. Tăng cường mối liên kết vùng giữa các huyện trong hoạt động kết nối cung -cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với ổn định thị trường để đưa hàng Việt vào các trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp... giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, mua sắm thuận lợi.Trong thương mại, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, tiêu dùng, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, gian lận thương mại và tăng giá cục bộ xảy ra gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Để đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình bình ổn thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực tập trung đông dân cư nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân. Tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai; phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương trong công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định./.