Quảng cáo #128

Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững: Tăng độ che phủ rừng và nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp

Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai tích cực và mang lại nhiều kết quả nổi bật. Đến nay: Hơn 14,86 triệu ha rừng hiện có được bảo vệ tốt; trên 595.488 ha rừng đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Giá trị gia tăng lâm nghiệp tăng trung bình đạt 4,6%/năm; Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại 167 khu rừng đặc dụng...

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai tích cực và mang lại nhiều kết quả nổi bật.

phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-2-1734917416.jpg
Đến nay tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42,2%, đáp ứng chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42,2%

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chương trình đã đạt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42,2%, đáp ứng chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Qua hơn hai năm thực hiện, đến nay, 47/60 tỉnh thành đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị và lập văn phòng thường trực để tham mưu triển khai.

Công tác tổ chức thực hiện, chỉ đạo điều hành, văn bản hướng dẫn đã được Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình; việc ban hành một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp thay thế các chính sách hiện hành, làm cơ sở để triển khai, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn các văn bản hướng dẫn được kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình.

phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-3-1734917481.jpg
Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ ước đạt 16 tỷ USD, tăng 5,2% so với kế hoạch. Giá trị nhập khẩu gỗ trong 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,512 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2023. (Ảnh minh họa)

Giá trị gia tăng lâm nghiệp tăng trung bình đạt 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2023 đạt trung bình 15,8 tỷ USD/năm, chiếm 88% kế hoạch. Riêng năm 2024, giá trị xuất khẩu ước đạt 16 tỷ USD, tăng 5,2% so với kế hoạch. Giá trị nhập khẩu gỗ trong 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,512 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2023.

Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng được nâng cao. Hơn 14,86 triệu ha rừng hiện có được bảo vệ tốt, duy trì cơ cấu 3 loại rừng hợp lý (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

Đồng thời, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại 167 khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh,...), các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao; triển khai các hoạt động theo Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, triển khai các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung. Đến nay, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt 136 nghìn ha/năm, đạt 136% chỉ tiêu của Chương trình, trong đó khoanh nuôi chuyển tiếp chiếm 86%; 10 tháng đầu năm được 123.839 ha, ước cả năm 2024 đạt khoảng 130.000 ha, bằng 100% kế hoạch năm.

Quản lý rừng bền vững và tăng thu nhập người trồng rừng

Giai đoạn 2021-2023, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 260.400 nghìn ha/năm, bằng 113% kế hoạch của chương trình, trong đó: rừng đặc dụng, phòng hộ đạt 8.700 ha/năm, rừng sản xuất đạt: 251.700 ha/năm.

Đến nay, hơn 595.488 ha rừng đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó FSC: 415.882 ha (86 chứng chỉ), chiếm gần 70%; VFCS/PEFC: 179.606 ha, chiếm 30%, đạt 119% mục tiêu đến năm 2025. Tính đến hết tháng 11/2024 đã có khoảng 135.000 ha rừng được cấp mới chứng chỉ, vượt kế hoạch năm 2024.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng bao gồm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon được triển khai hiệu quả, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng và người làm nghề rừng.

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2023 trung bình đạt 3.650 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2024, ước thu đạt 3.700 tỷ đồng, góp phần bảo vệ hơn 7,3 triệu ha rừng, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc.

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã phân bổ kịp thời, đúng quy định đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Giai đoạn 2021-2024, kinh phí huy động thực hiện chương trình ước đạt 71.388 tỷ đồng, bình quân 17.850 tỷ đồng/năm. Ngân sách nhà nước đóng góp 10.519 tỷ đồng, chiếm 14,8%, trong khi các nguồn khác.

Chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, đã góp phần tạo nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân, đời sống của người dân từng bước được cải thiện; tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp, góp phần giảm nghèo và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm.

Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản, phát triển thị trường carbon.

phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-1-1734917400.jpg
Đến nay, hơn 595.488 ha rừng đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trong đó FSC: 415.882 ha (86 chứng chỉ), chiếm gần 70%; VFCS/PEFC: 179.606 ha, chiếm 30%, đạt 119% mục tiêu đến năm 2025. (Ảnh minh họa)

Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2024 cho thấy tính hiệu quả và sự cần thiết của Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, các thách thức về quỹ đất, tài chính và vi phạm pháp luật lâm nghiệp cần được xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Việc tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình không chỉ góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn đáp ứng các mục tiêu về bảo tồn môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương, trong đó có lĩnh vực gỗ và lâm sản xuất khẩu, đòi hỏi phát triển các vùng nguyên liệu ổn định, có nguồn gốc hợp pháp theo quy định, bảo đảm chất lượng và giá thành cạnh tranh.

Việt Nam cũng đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, phát triển rừng bền vững để hấp thu CO2, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 25/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2024/NĐ-CP quy định về thanh lý rừng trồng. Theo đó, có hai loại rừng trồng được thanh lý. Đó là, rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại một trong các nguyên nhân do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng và không đáp ứng được các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh; trồng rừng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do những nguyên nhân trên và không đủ tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng.

Trước đó ngày 24/8/2024, để xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Nhằm từng bước triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, yêu cầu, phát triển lâm nghiệp phải thực sự trở thành ngành kinh tế hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;

Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Bình Châu