Quảng cáo #128

Cả nước có gần 2.500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 12, cả nước có khoảng 21.700 Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN). Trong đó, có gần 2.500 HTX NN ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, 2.169 HTX NN có các sản phẩm OCOP...
hop-tac-xa-nong-nghiep-2-1735007853.jpg
Nhiều HTX ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất.(Ảnh minh họa)

Cả nước có khoảng 21.700 Hợp tác xã nông nghiệp

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 12, cả nước có khoảng 21.700 Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), trong đó có 14.300 HTX NN hoạt động hiệu quả (đạt 65,6%). Có 101 Liên hiệp HTX NN và 36.000 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp.

Trong đó có gần 2.500 HTX NN ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên. 2.169 HTX NN có các sản phẩm OCOP, chiếm 37,9% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận. Có khoảng 1.200 HTX đã tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Về liên kết sản xuất, tính đến hết năm 2024, cả nước có 2.938 dự án và kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018 của Chính phủ được phê duyệt, trong đó có 1.968 dự án và 970 kế hoạch liên kết được các địa phương phê duyệt. Tham gia các dự án, kế hoạch liên kết này có 2.412 HTX, 538 THT, 1.305 DN và 211.545 hộ nông dân.

Đối với khu vực kinh tế trang trại (TT), cả nước có 19.660 trang trại, trong đó 3.308 TT trồng trọt, 12.349 TT chăn nuôi, 133 TT lâm nghiệp, 1.810 TT nuôi thủy sản, 2.060 TT tổng hợp; có 1.034 TT đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 TT tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 TT có liên kết sản xuất và tiêu thụ SP nông nghiệp.

hop-tac-xa-nong-nghiep-3-1735007827.jpg
Sản phẩm OCOP của các hợp tác xã được cấp mã truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác được thị trường đón nhận tích cực. (Ảnh: Hoan Nguyễn)

Năm 2024, Cục đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/NĐ-CP đồng thời thúc đẩy các địa phương bảo tồn, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống. Hiện cả nước có 36 tỉnh đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, đã công nhận được 216 nghề truyền thống, 657 làng nghề truyền thống, 1.382 làng nghề.

Việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống như: Nghề thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan lá, điêu khắc và phát triển nhanh các nghề mới gắn với quá trình công nghiệp hóa.

Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách đối với lĩnh vực này. Cục tiếp tục triển khai, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện đã có 28 địa phương ban hành kế hoạch triển khai.

Xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề đến năm 2030

Tạo tiền đề cho việc đổi mới công tác đào tạo nghề nông nghiệp trong thời kỳ mới, Cục đã tham mưu cho Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37 ngày 10/7/2024 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tham gia, phối hợp trình Ban Tuyên giáo ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37;

Tham mưu xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề đến năm 2030 tích hợp Đề án Đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các địa phương đặc biệt là công tác đào tạo nghề trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Giai đoạn 2021-2024 đã có trên 600 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, các địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp (hiện nay có 285 cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo nghề nông nghiệp).

Về tái thiết, ổn định, bố trí dân cư để hạn chế thiệt hại thiên tai, qua 4 năm thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590 ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã bố trí ổn định cho khoảng 16 nghìn hộ (năm 2024 là 6 nghìn hộ) góp phần ổn định dân cư, hạn chế thiệt hai do thiên tai gây ra, di cư tự do, nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

Riêng về bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, tình hình dân di cư tự do vẫn tiếp tục diễn ra nhưng đã giảm mạnh so với giai đoạn trước. Đến nay, còn khoảng 16,3 nghìn hộ chưa được bố trí ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).

Sự kiện cơn bão số 3 Yagi, tổng số có 1.013 hộ dân có nhà bị trôi, sập, đổ, vùi lấp hoàn toàn; 8.869 hộ không thể quay về nơi ở cũ do nguy cơ sạt lở cao, cần được tái định cư khẩn cấp. Cục tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức 2 đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ chủ trì đến làm việc tại 4 tỉnh miền núi phía Bắc nhằm bố trí ổn định dân cư và khắc phục sản xuất sau bão.

hop-tac-xa-nong-nghiep-4-1735007947.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX được bày bán tại cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm OCOP. (Ảnh minh họa)

Lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp, nông thôn, trong năm, Cục đã chủ động tổ chức các hoạt động để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về cơ giới hóa như: Xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về cơ giới hóa; tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số về cơ giới hóa; kết nối doanh nghiệp và các hợp tác xã để xây dựng các mô hình dịch vụ cơ giới hóa tại các địa phương…

Nhiệm vụ, kế hoạch 2025, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (dự kiến thời gian trình trong quý II/2025); Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp (dự kiến thời gian trình trong năm 2025);

Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; Quyết định sửa đổi bổ sung QĐ số 42 ngày 08/10/2012 và QĐ số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Dự kiến thời gian trình trong tháng 9/2025.

Tham mưu tổ chức các sự kiện lớn của ngành: Hội nghị sơ kết, tổng kết 5 năm triển khai thực hiện các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm sửa đổi bổ sung nôi dung và khắc phục hạn chế; Hội nghị sơ kết 5 năm Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu; Đề án triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030; Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX NN vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025;

Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về giải pháp ổn định dân di cư tự do và Sơ kết Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022; Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX NN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; Hội nghị tổng kết, đóng Dự án Khu vực Các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh (GIC/GIZ) vùng ĐBSCL với 2 ngành hàng lúa gạo và trái cây (xoài)./.

Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể phát triển Kinh tế tập thể cho giai đoạn tới là: "Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần phải đổi mới, hợp tác, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, phải thay đổi từ duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để phát huy vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Thực tế cho thấy, thời gian tới các HTX, hộ nông dân cần tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn nông thôn và thành thị, theo phương châm tích cực và vững chắc. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"./.

Năm 2025, cả nước phấn đấu có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35.000 HTX với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp HTX với 1.100 HTX thành viên, trên 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; khoảng 35% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bình Châu