Hà Nội: Bao giờ phân loại rác thải đi vào cuộc sống

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Bắt đầu từ đâu tháng 6/2024, 5 quận nội thành của Hà Nội sẽ lần lượt tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn.
ha-noi-bao-gio-phan-loai-rac-tai-nguon-di-vao-cuoc-song-1-1717586842.jpg
Phân loại rác tại nguồn phải thực hiện chậm nhất 31/12/2024. Ảnh minh họa. Lê Minh- Đại đoàn kết.

Phân loại rác tại nguồn phải thực hiện chậm nhất 31/12/2024

Phân loại rác thải tại nguồn là một bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, mang lại ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường thiên nhiên.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024. Theo Điều 79 của Luật, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024.

Theo quy định của Điều 75 Luật BVMT 2020, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Các hộ gia đình và cá nhân ở đô thị được yêu cầu chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại vào các bao bì để chuyển giao. Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sẽ được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Vấn đề phân loại rác thải được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm đề nghị lựa chọn để Quốc hội giám sát tối cao vào năm 2025

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, vấn đề phân loại rác tại nguồn ngày càng được cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM … quan tâm. Tại kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2016, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn để đảm bảo, hiệu quả cho việc xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn thành phố.

Tại kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chọn Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

ha-noi-bao-gio-phan-loai-rac-tai-nguon-di-vao-cuoc-song-1717587275.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị, chọn chuyên đề 1 để giám sát tối cao trong thời gian hiện tại. Bởi lẽ, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nói riêng đã được nhiều đại biểu đề cập tới. Trên thực tế, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đang có nhiều khó khăn. Nhất là sắp tới, từ 1.1.2025 là thời hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo quy định.

Theo đại biểu, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải bắt đầu từ ngày 1.1.2025. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác thải ra sao, tập kết rác đã được phân loại thế nào.

Không những vậy, ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị, nhiều vấn đề nan giải đặt ra.

Do đó, đại biểu cho rằng, thực trạng này rất cần được giám sát để làm rõ những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.

ha-noi-bao-gio-phan-loai-rac-tai-nguon-di-vao-cuoc-song-4-1717602492.jpg
Bắt đầu từ 1/6/2024, 5 quận nội thành của Hà Nội sẽ lần lượt tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ảnh minh họa.

Thủ đô Hà Nội triển khai vấn đề phân loại rác thải tại nguồn như thế nào

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 6.500-7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TPHCM.

Câu chuyện rác thải cũng là một trong những vấn đề khá nhức nhối của nhiều khu dân cư của Hà Nội, đồng thời là vấn đề mà thành phố cần giải quyết, khi nhiều bãi rác đã trở nên quá tải, thậm chí gây bức xúc cho người dân vì sự ô nhiễm môi trường.

Để dần tiếp cận với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong công tác phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên đôn đốc Công TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường” tại UBND 05 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm) và UBND huyện Gia Lâm; trong đó nghiên cứu, đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở xây dựng phương án.

Trước đó, từ năm 2006, một số phường ở Hà Nội thí điểm phân loại rác, tuy nhiên không thể duy trì do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật. Và sau 18 năm, từ tháng 6/2024, Hà Nội lại tiếp tục triển khai thí điểm phân loại rác trên địa bàn 23 phường, tiến tới triển khai trên toàn thành phố.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn. Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Ba Đình chọn phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa chọn phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025.

Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn”, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026.

Ông Trịnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, "Nhân dân hưởng ứng công tác phân loại rác này, vì rất có lợi cho sức khỏe của mình, có lợi cho môi trường".

Bà Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng Tổ Môi trường số 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, cho hay. "Nếu người dân phân loại rác tại nguồn tốt, giảm lượng rác thu gom, tăng lượng rác tái chế. Chúng tôi không phải phân loại như trước nữa".

"Chúng tôi đã đánh giá và xác định một số khó khăn mà chúng tôi phải vượt qua, đó là thay đổi ý thức hình thành từ lâu trong người dân, chúng ta phải dần dần từng bước, hai là quán triệt, phổ biến những quy định pháp luật để người dân nắm được", ông Trần Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thông tin.

Được biết, tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, rác được chia thành bốn nhóm gồm: Có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại (bao gồm chất thải thực phẩm). Quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức quản lý của phường; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng. Đối với rác thải có khả năng tái chế ở hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ như giấy thải, sách vở bìa, cốc nhựa, vỏ chai, UBND phường bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định mỗi tuần hai lần.

Triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn nói chung, tập kết rác cồng kềnh nói riêng vừa nhằm thực hiện kế hoạch chung của thành phố, vừa tạo thói quen phân loại rác cho người dân, nhất là “kỹ năng” xử lý rác cồng kềnh. Sau việc phân loại rác thải cồng kềnh thí điểm tại quận Ba Đình, việc phân loại sẽ mở rộng triển khai phân loại chi tiết các loại rác thải khác như rác nguy hại, rác điện tử trên địa bản 5 quận. 

Với lần thí điểm quy mô rộng hơn này, người dân kỳ vọng bộ mặt đô thị của thành phố văn minh, sạch đẹp hơn./.

Trường Giang