Sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỉ lệ 1/5000, mới đây thành phố đã đồng thuận, cho phép 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng".
Bãi giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng
Bãi nổi sông Hồng (còn gọi là bãi giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm, với không gian xanh, rộng hàng chục hecta giữa thủ đô Hà Nội. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết khu vực bãi giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng…
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, bãi giữa sông Hồng là cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kéo dài qua nhiều quận nội đô. Nơi đây phải trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt. Sắp tới, khi cầu Long Biên không còn đường sắt đi qua, chúng ta có thể biến cây cầu lịch sử này thành nơi kết nối, thưởng ngoạn công viên bãi giữa sông Hồng. Với diện tích rất lớn, quy hoạch phải xác định cụ thể nơi nào làm công viên xanh - trồng cây như rừng, nơi nào làm văn hóa.
"Chúng ta có thể quy hoạch trồng rừng cây, hồ nước qua việc đào hồ, nơi vui chơi của trẻ con, người già, nơi hẹn hò của thanh niên… hay cả một bãi tắm trên sông Hồng. Nhìn rộng ra ta có thể thấy ở Singapore, họ trồng cây, làm lưới hiện đại, thả chim chóc trong đó để trải nghiệm. Một công viên ở bãi giữa không thể là một công viên bình thường mà phải là một công viên đẳng cấp, hiện đại" - ông Chính nói.
Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, song theo ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, suốt thời gian dài trước đó, các địa phương đã sao nhãng quản lý, khai thác, sử dụng khu vực bãi giữa sông Hồng.
Công tác quản lý tại khu vực sông Hồng nói chung và khu vực bãi giữa nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Vi phạm an toàn hành lang thoát lũ; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sống; nhiều khu vực đất bãi giữa đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 hiện đang hoàn chỉnh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, có định hướng thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội.
Trong Quy hoạch có bao gồm hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và bổ sung thêm loại hình giao thông đường thủy cho Hà Nội. Đồng thời, Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2022, đã định hướng khu vực bãi giữa và bãi ven sông, ngoài các chức năng sử dụng chính như cây xanh cách ly, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, còn được định hướng có chức năng đất cây xanh đô thị, cây xanh chuyên đề…
Hiện nay, với việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đang được đẩy mạnh.
Thành phố đang giao các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng”, thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, hướng tới việc hiện thực hóa các mục tiêu được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. UBND thành phố cũng đồng thời chỉ đạo 4 quận tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, nhằm đáp ứng được tầm quan trọng, đảm bảo được tính khả thi của Đề án.
Định hình vóc dáng Công viên văn hóa, “viên ngọc” sinh thái trong lòng Hà Nội
Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được phù sa bồi đắp nhiều năm, trở thành một không gian xanh rộng lớn, vẫn còn lưu giữ hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông. Hiện, khu vực bãi giữa đang được một số người khai thác canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ và đồng thời là nơi diễn ra nhiều hoạt động tự phát như: dã ngoại, cắm trại, bơi lội, trải nghiệm, khám phá, vui chơi của trẻ em...
Việc quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, các không gian nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Bãi Giữa sông Hồng là “viên ngọc” sinh thái trong lòng Hà Nội. Nơi này lâu nay đã trở thành những vườn chim lớn và độc đáo nhất Thủ đô.
Nếu như Cầu Long Biên là một di sản đô thị, thì Bãi Giữa sông Hồng là di sản thiên nhiên gắn với lịch sử kiến tạo của dòng sông. Hai di sản trong mối quan hệ không tách rời, hình thành quần thể di sản Thiên nhiên – văn hóa vô cùng độc đáo, nơi “nuôi dưỡng bản sắc đô thị” và “kiến tạo thương hiệu đô thị” Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, Bãi Giữa sông Hồng còn là “không gian kết nối” của hệ thống di sản hai bên sông…
Các kiến trúc sư cũng cho rằng, thiết kế không gian có thể truyền tải được những nội dung, tư tưởng, lối sống, phong tục tập quán của người dân Hà Nội thể hiện qua các hoạt động văn hóa có giá trị như các hoạt động lễ hội truyền thống, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sản xuất truyền thống. Như tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội, các chương trình văn hóa trong công viên cũng là một trong những cách khai thác yếu tố văn hóa truyền thống hiệu quả, tạo nhiều không gian mở, hài hòa với thiên nhiên, áp dụng phong cách vườn công viên truyền thống.
Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, các mô hình xanh sẽ tập trung vào việc tạo lập các không gian xanh như công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên.
Một số khu vực tiếp giáp nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước. Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên nông nghiệp kết hợp với các hoạt động du lịch ngoài trời.
Việc xây dựng Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và bãi ven sông Hồng được triển khai sẽ không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích. Đây cũng sẽ là cơ hội thu hút các nhà đầu tư, khởi nghiệp, nhằm phát triển các giá trị văn hóa-lịch sử trong hình thành mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn đối với cả nước./.