Hà Nội bàn chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh

Ngày 12/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.
ha-noi-den-nam-2033-100-xe-buyt-su-dung-dien-nang-luoc-xanh-1-1718202182.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Theo Kế hoạch chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đặt mục tiêu, đến năm 2030: Đạt khoảng 70-90% và đến năm 2033 đạt 100%. Việc chuyển đổi đưa ra 3 kịch bản tới năm 2033: Kịch bản 1: Toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỷ đồng; Kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng; Kịch bản 3: 50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG), tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng.

Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, trước mắt, UBND Thành phố đề xuất: Lựa chọn thực hiện theo Kịch bản 3 (50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG) và khi điều kiện cho phép phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 (70% xe buýt điện; 30% xe buýt LNG/CNG). Sau năm 2040, thực hiện theo Kịch bản 1 (100% xe buýt điện).

ha-noi-den-nam-2033-100-xe-buyt-su-dung-dien-nang-luoc-xanh-2-1718202727.jpg
Ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến

Theo ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh có thể coi là một cuộc cách mạng, bước đột phá quan trọng đối với giao thông đô thị của Hà Nội mang lại nhiều lợi ích cũng như nhiều khó khăn. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cao cũng như sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, chính quyền Thành phố, của cơ quan quản lý chuyên ngành và sự ủng hộ tích cực của Nhân dân.

Để thực hiện tốt Đề án, ông đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan của Thành phố làm rõ thêm các căn cứ để xác định lộ trình thực hiện các nội dung liên quan của Nghị quyết như: Lộ trình chuyển đổi phương tiện, lộ trình đầu tư hạ tầng cơ sở trạm sạc điện và cung cấp năng lượng sạch… Đây là những vấn đề then chốt. Bên cạnh đó, cần bổ sung việc tính toán dự kiến diện tích đất cần thiết để xây dựng các trạm điện phục vụ sạc điện cho phương tiện giao thông công cộng trước mắt và lâu dài khi loại bỏ phương tiện toàn Thành phố. 

ha-noi-den-nam-2033-100-xe-buyt-su-dung-dien-nang-luoc-xanh-3-1718202793.jpg
Tiến sĩ Đinh Hạnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án

Tiến sĩ Đinh Hạnh cho rằng việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm khí thải Các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Thành phố. Đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các đô thị lớn, ngày 27/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm thải khí Các-bon và khí Mê tan của giao thông vận tải đối với giai đoạn 2022-2030. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt và sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết, tất yếu để thực hiện Chương trình hành động theo Quyết định số 876/QĐ-TTg.
 
PGS.TS Doãn Minh Tâm, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho biết: Về mặt lý thuyết, trong khu vực nội thành, xe buýt chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cấp đô thị và cấp khu vực tại Hà Nội, chiếm khoảng 30-35% tổng chiều dài đường đô thị trong 12 quận nội thành và một số tuyến ngoại thành. Điều đó cho thấy, Hà Nội tuy là một Thành phố lớn, đông dân trên thế giới nhưng lại là Thành phố có mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc loại còn lạc hậu và thực sự thiếu cơ sở hạ tầng đường bộ để phát triển đô thị và giao thông đô thị. Cho nên, hiện nay, Hà Nội đang thiếu trầm trọng điều kiện số một dành cho phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Đó là cơ sở hạ tầng đường bộ để đóng vai trò định hướng chủ đạo trong phát triển đô thị. Đây là vấn đề lớn cần rà soát và bổ sung, sửa đổi trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường giao thông và quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vì vậy, để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội từ 45-50% vào năm 2030, ngoài yêu cầu phải lập Đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, còn phải tăng số lượng, tăng tuyến để tăng được năng lực vận chuyển đạt tới mức 4-5 triệu lượt người/ngày; tức là gấp 4-5 lần so với năng lực hiện nay. Điều đó, đòi hỏi Thành phố cần lập tiếp Đề án riêng để phát triển đội xe buýt của Thành phố và đặc biệt cần phải mở rộng và phát triển hệ thống các tuyến đường bộ, đường đô thị để đủ điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030./. 

Kim Ngọc