Hà Giang, Miền du lịch xanh đầy tiềm năng (Bài II)

Giá trị lượng hóa được là doanh thu từ hoạt động du lịch, là sự hưởng lợi của cư dân thông qua hoạt động du lịch; Giá trị không đo đếm được là ấn tượng của du khách sau khi sử dụng các sản phẩm du lịch.
nui-doi-ha-giang1-1658455001.jpg
Núi Đôi Quản Bạ

Bản sắc văn hóa đa dân tộc nếu được coi trọng và bảo vệ sẽ phát huy thành điểm nhấn hấp dẫn du khách khi tới Hà Giang. Đó chính là việc làm thức dậy các di sản vật thể và phi vật thể độc đáo ở các miền đất của Hà Giang, cả vùng thấp, vùng cao núi đá và miền tây núi đất.

Theo thống kê, lượng khách trong và ngoài nước đến Hà Giang tăng lên đáng kể, điều này có thể lí giải được là do “hiệu ứng” Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cùng với đó, nắm bắt cơ hội phát triển du lịch - dịch vụ, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất nhà hàng, khách sạn, chú trọng chất lượng dịch vụ, nên đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch được tổ chức ở khắp các địa phương thông qua việc tổ chức Hội chợ thương mại, hoạt động văn hoá, du lịch ở các huyện, thành. Hà Giang đã tiến hành quy hoạch chi tiết các điểm, cụm du lịch; xây dựng các điểm dừng chân đón khách ở Tam Sơn - Quản Bạ, Mã Pí Lèng - Đồng Văn, Đèo Gió - Xín Mần; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức khảo sát tuyến điểm du lịch Tây - Đông Bắc trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo về cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và triển khai các bước theo quy định để đề nghị tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận trở thành “Di sản thiên nhiên”…

Với việc coi trọng đầu tư phát triển hạ tầng các làng văn hoá - du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó các ngành, các cấp cũng đã nhận ra công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế, mối quan hệ trong quản lý tài nguyên với đầu tư, khai thác du lịch giữa các cấp và các ngành, giữa các ngành liên quan còn nhiều vướng mắc. Cán bộ làm công tác quản lý về du lịch còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Mặc dù lượng khách du lịch tăng theo từng năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Giang. Các thị trường du lịch truyền thống vẫn chưa được mở rộng khai thác, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ít hơn so với các tỉnh trong khu vực và số ngày lưu trú của khách cũng không nhiều. Các điểm du lịch chưa thực sự tạo sức hút, sức hấp dẫn du khách. Du khách vẫn ở dạng “đến một lần cho biết”.

Các cơ sở lưu trú phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, số lượng ở các huyện còn ít, quy mô nhỏ, nên chất lượng phục vụ còn hạn chế, các dịch vụ khác như đồ lưu niệm, hàng hóa mua sắm nghèo nàn. Một số khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, chất lượng phục vụ chưa cao, chưa mang tính chuyên nghiệp. Hiện nay, trên địa bản toàn tỉnh chưa có nhiều khách sạn đạt chuẩn 3 sao trở lên để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp. Đây chính là một trong những điểm yếu trong hoạt động kinh doanh lưu trú của ngành du lịch Hà Giang.

73177418-2638910819503286-8370236672528351232-n-1658455102.jpg
Ruông bậc thang Hoàng Su Phì

Các doanh nghiệp lữ hành đã và đang tập trung chú trọng phát triển hoạt động lữ hành và dần từng bước mở rộng thị trường, đã tổ chức được một số chương trình du lịch trong nước và quốc tế có hiệu quả. Năm 2005 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 2 công ty hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế là Công ty Du lịch dịch vụ và xuất nhập khẩu và Công ty Thương mại tổng hợp Hà Giang, nhưng đến năm 2008 Công ty Du lịch dịch vụ xuất nhập khẩu giải thể. Đến năm 2010 trên địa bàn toàn tỉnh có 02 công ty cổ phần kinh doanh lữ hành quốc tế. Đến nay, các đơn vị làm du lịch đã phát triển đến vài chục song nhìn chung việc khai thác các tuyến du lịch chủ yếu là do tự phát của một số công ty lữ hành.

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch dịch vụ của Hà Giang so với các tỉnh trong khu vực còn thấp. Lực lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Hà Giang vừa ít vừa thiếu kinh nghiệm trong quản lý và điều hành cũng như khai thác các dịch vụ; trình độ nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên trong doanh nghiệp còn thấp; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch vừa thiếu về số lượng vừa yếu về kỹ năng.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có. Việc xúc tiến quảng bá vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu chiến lược dài hạn và chủ yếu là quảng bá ở thị trường trong nước. Đối với những thị trường lớn có tiềm năng mặc dù đã thực hiện công tác xúc tiến quảng bá thông qua các công ty lữ hành trong nước nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của du khách.

hoa-tam-giac-mach-ha-giang-1658455160.jpg
Mùa hoa Tam Giác Mạch ở cao nguyên Đồng Văn

Trung tâm xúc tiến Du lịch Hà Giang cũng đã tiến hành xây dựng các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp, bản đồ, cẩm nang du lịch, đĩa DVD và sách viết về Hà Giang như đĩa “Hà Giang điểm hẹn nơi cực Bắc” được xuất bản bằng 3 thứ tiếng (Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung), hàng quý xuất bản bản tin về du lịch Hà Giang... Bên cạnh đó, du lịch Hà Giang đã tiến hành tổ chức nhiều chuyến khảo sát nhằm xây dựng và phát triển các tour du lịch trên địa bàn tỉnh và kết hợp nối tour, nối tuyến với các tỉnh bạn trong khu vực và quốc tế, cùng với các hãng lữ hành tổ chức các đoàn khảo sát du lịch của Hà Giang.

Trong những năm vừa qua, tỉnh cùng các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, mở ra nhiều tour, tuyến mới, phát triển các điểm du lịch nhằm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đa dạng của du khách. Xây dựng các sản phẩm loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh... đã dần từng bước thu hút du khách đến với Hà Giang đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của Hà Giang hiện nay vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng sẵn có. Các sản phẩm mới bước đầu triển khai, các dịch vụ và hạ tầng vẫn chưa đồng bộ và do đó chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của khách du lịch nội địa cũng như quốc tế. Công tác khảo sát xây dựng sản phẩm chưa được thực hiện một cách có hiệu quả.

Hà Giang chưa có các điểm du lịch đầu tư hoàn chỉnh mà chủ yếu vừa đầu tư vừa khai thác như: khu du lịch Bồng Lai, khu du lịch thể thao Hà Yên, khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên, Núi Cấm (thành phố Hà Giang), Suối nước nóng Thanh Hà (Vị Xuyên), khu du lịch sinh thái Pan Hou (Hoàng Su Phì), Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương, Phố cổ (Đồng Văn). Làng HMông ở Đông Hà Quản Bạ...

Một số công trình đã đưa vào sử dụng như: Trạm dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng (Mèo Vạc), Cổng trời Quản Bạ, Đèo gió (Xín Mần) Khu du lịch sinh thái Nậm An (Bắc Quang) Thạch Lâm Viên (TP Hà Giang). Hiện Hà Giang vẫn tiếp tục mời gọi hoàn thiện một số dự án đầu tư khác, như Dự án du lịch sinh thái hồ Quang Minh (Bắc Quang), Dự án phát triển du lịch lòng hồ Bắc Mê, Dự án xây dựng khu di tích lịch sử Đồng Văn, Dự án du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Quảng Nguyên (Xín Mần)./.

Nguyễn Thị Dịu và Nguyên Hằng