Quảng cáo #128

Xuất khẩu gỗ đạt hơn 14,6 tỷ USD kỳ vọng cuộc bứt tốc cuối năm với kim ngạch 16 tỷ USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định: "Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 16 tỷ USD".
xuat-khau-go-1-1732629308.jpg
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Tín hiệu lạc quan từ thị trường chủ lực

Các chuyên gia ngành gỗ đánh giá, từ những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, ngay từ đầu năm 2024, các hiệp hội chế biến, xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp đã chủ động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm sản xuất sản phẩm này như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương.

Hoa Kỳ - thị trường rất quan trọng đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành gỗ đang phục hồi rõ rệt. Đặc biệt tiếp tục kỳ vọng khởi sắc bởi chính sách của Tổng thống đắc cử tiếp tục hướng đến tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, từ đó kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn.

"Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn với mặt hàng cao cấp giá trị lớn cho đến mặt hàng bình dân giá cả cạnh tranh. Vì vậy, dù doanh nghiệp ở quy mô nhỏ cũng có thể tìm thấy phân khúc thị trường cho hàng hoá của mình tại Hoa Kỳ", ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết.

Vừa qua, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui là Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này chứng tỏ ngành gỗ Việt Nam minh bạch, không bán phá giá, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.

xuat-khau-go-2-1732629278.jpg
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). (Ảnh minh họa)

Thời điểm này, các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, nơi có nhiều nhà máy chế biến gỗ cũng tích cực tìm cơ hội bứt phá thị trường.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cũng có đánh giá tương tự về nỗ lực của các doanh nghiệp ngành gỗ, một số doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương cũng đã có nhiều thiết kế sản phẩm độc đáo và giới thiệu đến khách hàng quốc tế. Để mở rộng đầu ra linh động hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược bán hàng qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ. Thương mại có nhiều thay đổi, bên nào thích ứng được thì tăng trưởng.

Đối với sản phẩm gỗ Đồng Nai, các doanh nghiệp tỉnh này đã đưa sản phẩm đi 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo thống kê của Cục thống kê Đồng Nai, tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu gỗ Đồng Nai ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Kết quả tăng trưởng này đều nhờ vào sự bứt phá của doanh nghiệp nắm bắt thị trường tốt.

Các doanh nghiệp ngành gỗ cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh

Mặc dù xuất khẩu mang lại nhiều kết quả cho ngành gỗ, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng không bỏ quên các cơ hội tiêu thụ đồ gỗ, hay để trống thị trường cho hàng hoá nước ngoài chiếm lĩnh.

Cụ thể, các chuyên gia trong ngành gỗ cũng đã vận động doanh nghiệp trong nước quay về đáp ứng nhu cầu nội địa. Đến nay, thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ, manh mún và chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu hoặc chỉ được các đơn vị sản xuất nhỏ phục vụ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hồng Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nội thất Việt Nam, nhận xét đến nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vẫn chưa khẳng định vị thế về thiết kế lẫn thương hiệu nội địa lớn, chưa có dòng sản phẩm để lại dấu ấn riêng, dù tiềm năng sản xuất và thiết kế của các doanh nghiệp rất cao. Phân khúc sản phẩm cao cấp chủ yếu nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Nhóm đồ nội thất tầm trung và bình dân vẫn loay hoay về thiết kế và phong cách.

Điều này khiến cho thị hiếu thích hàng nhập khẩu vẫn còn lớn trong người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù xuất khẩu là mục tiêu chính của ngành chế biến gỗ Việt Nam, nhưng nếu khai thác thị trường tốt thì các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vừa tạo được thương hiệu vững chắc cho người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng quốc tế.

xuat-khau-go-3-1732629288.jpg
Kết nối phát triển chuỗi cung ứng ngành gỗ theo hướng gắn kết thị trường.(Ảnh minh họa)

Nhận định những thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay: DN ở Việt Nam đang sản xuất ở Việt Nam phải tuân thủ tất cả các luật pháp do Việt Nam quy định bao gồm: quyền sử dụng đất hợp pháp; vấn đề về lao động; chứng minh các vấn đề bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ luật pháp…

“Thêm vào đó, DN phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Quy định này làm phát sinh thách thức mới với DN gỗ khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, DN phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng. EUDR cũng yêu cầu các DN phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định: "Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 16 tỷ USD".

Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năm trụ cột chính là kỹ thuật và công nghệ sản xuất, sản xuất giảm phát thải, quản trị, xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ. Khi doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam làm tốt các tiêu chí này mới có thể tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.

Bình Nguyên