Chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ
Hà Giang từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm nông sản truyền thống như gạo, ngô, lúa, rau, và đặc sản cam sành. Tuy nhiên, việc canh tác theo phương thức truyền thống, sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã dẫn đến tình trạng đất đai thoái hóa, môi trường bị ô nhiễm, và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng.
Mặt khác, các sản phẩm nông sản của Hà Giang trước đây dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng chưa được đánh giá đúng mức trên thị trường vì không có chứng nhận chất lượng rõ ràng. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ được xem là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp cải thiện năng suất, bảo vệ môi trường, và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.
Trong vài năm trở lại đây, Hà Giang đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công tại các huyện như Quản Bạ, Vị Xuyên, và Hoàng Su Phì. Các mô hình này chủ yếu tập trung vào việc sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay các chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, nông dân áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, sử dụng phân hữu cơ từ động vật, thực vật, và các biện pháp tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh.
Điển hình là mô hình trồng cam sành hữu cơ tại huyện Vị Xuyên. Trước đây, cam sành của người dân Hà Giang thường xuyên phải đối mặt với vấn đề sâu bệnh và chất lượng sản phẩm không ổn định. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang phương thức canh tác hữu cơ, cam của Hà Giang không chỉ giảm được tình trạng sâu bệnh mà còn có vị ngọt tự nhiên, hương thơm đặc trưng, nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Lan, một nông dân tại xã Phú Linh (huyện Vị Xuyên), chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi phải dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, nhưng từ khi chuyển sang canh tác hữu cơ, không chỉ cam ngon hơn mà còn an toàn hơn. Sản phẩm của chúng tôi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất là tại các siêu thị sạch ở Hà Nội".
Để việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả cao, tỉnh Hà Giang đã chú trọng đến công tác đào tạo và hỗ trợ nông dân. Các chương trình tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, quản lý đất đai, phòng trừ sâu bệnh không hóa chất, và xây dựng thương hiệu nông sản sạch đã được triển khai rộng rãi tại các xã, huyện. Lãnh đạo tỉnh đã giao Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các tổ chức và các chuyên gia nông nghiệp, các Trường Đại học Nông Lâm để cung cấp các khóa học, sách hướng dẫn, và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ như tín dụng xanh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, và chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Điều này giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất hữu cơ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm nông sản hữu cơ của Hà Giang có thể vươn ra thị trường rộng lớn hơn, nhất là ở các thành phố lớn.
Một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Hà Giang là xây dựng chuỗi giá trị nông sản hữu cơ. Các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ đang được hình thành tại nhiều huyện, giúp kết nối nông dân với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tiếp cận với thị trường rộng lớn mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương trong các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Hoàng Su Phì, nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ và những đồi chè cổ thụ trăm tuổi. Thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, gắn sản xuất, chế biến với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu, giá trị chè Shan tuyết cổ thụ.
Đến nay, toàn huyện duy trì diện tích 6.642,8 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là 4.599,1 ha, sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 15.912,7 tấn. Các xã nằm trong vùng trọng điểm chè của huyện gồm 9 xã: Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán, Nậm Dịch, Nam Sơn, Nậm Khòa, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng, Bản Luốc. Diện tích chè Shan tuyết chủ yếu được trồng tại các thôn vùng cao, mọc lẫn một số loại cây khác trong rừng tự nhiên nên việc thu hái, chế biến còn gặp nhiều khó khăn. Người dân ít có sự đầu tư, thâm canh trong quá trình chăm sóc, thu hái, dẫn đến sản lượng chè búp tươi đạt thấp.
Trước thực trạng trên, huyện đã đẩy mạnh tập huấn về kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn cho người dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hướng dẫn nhân dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất chè. Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già cỗi, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè; huyện còn đẩy mạnh tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX chế biến chè với các xã vùng trọng điểm chè, các hộ trồng chè nhằm ổn định nguồn nguyên liệu và đảm bảo đầu ra cho sản lượng chè búp tươi của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất, hạn chế tình trạng phá bỏ nương chè để trồng các cây trồng khác.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Hoang Đức Tân cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn nhân dân tổ chức trồng dặm những diện tích cây chè già cỗi, mất khoảng; đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho hộ nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chè.
Theo chị Triệu Mùi Mủi, xã Hồ Thầu cho biết: Gia đình tôi có diện tích chè Shan tuyết khoảng hơn 1ha. Trước đây, giá bán chè búp tươi khá thấp nên người dân chúng tôi không mặn mà với việc chăm sóc cây chè. Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đã có một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đến tận thôn để ký hợp đồng thu mua sản phẩm. Ngoài ra, còn hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Giá bán chè tươi cũng cao hơn trước nhiều lần, đạt từ 35 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/kg tùy loại. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc tốt cho vườn chè cổ thụ của gia đình.
Qua đó, người dân không chỉ được hưởng lợi từ giá trị cao của sản phẩm mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái bền vững.
Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hà Giang vẫn còn gặp phải nhiều thách thức. Điều kiện địa hình đất đai vùng cao không phải chỗ nào cũng thuận lợi cho việc trồng trọt, đồng thời, việc duy trì sản xuất bền vững đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, với tiềm năng khi hậu và nguồn lực con người, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và chè hữu cơ nói riêng trở thành một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh. Đặc biệt, khi xu hướng tiêu dùng xanh và sản phẩm sạch đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đây sẽ là cơ hội lớn để Hà Giang vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp hữu cơ đang dần trở thành hướng đi chiến lược của Hà Giang, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Việc chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp bền vững sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân, đồng thời đưa Hà Giang trở thành một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp hữu cơ./.