Quảng cáo #128

Gỡ khó cho thanh long, Bình Thuận tìm giải pháp tổ chức lại sản xuất nâng tầm thương hiệu và kết nối thị trường

Là nông sản chủ lực của Bình Thuận, nhưng thời gian qua, sản xuất thanh long đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn tới diện tích ngày càng giảm. Trong đó, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ thanh long, khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch. Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Bình Thuận đã đề ra nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành hàng này.
thanh-long-binh-thuan-2-1730860701.jpg
Hiện nay, diện tích thanh long Bình Thuận còn khoảng 26.900ha, giảm hơn 3.000ha so với trước năm 2019, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.(Ảnh Báo Bình Thuận)

Thanh long gặp khó từ vườn tới chợ

Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, thanh long được xếp vào nhóm 14 cây ăn quả chủ lực và là một trong 9 loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với tổng diện tích năm 2019 đạt khoảng 60,4 nghìn ha. Trong đó, tỉnh Bình Thuận chiếm hơn 50% diện tích trồng thanh long của cả nước.

Cây thanh long được gọi là cây “làm giàu” của bà con nông dân nên diện tích thanh long của tỉnh tăng khá nhanh; năm 2011, toàn tỉnh tỉnh trồng 18.616 ha thanh long với sản lượng đạt 397.584 tấn, năm 2020 tăng lên 33.730 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 30.000 hộ dân với hơn 70.000-80.000 người tham gia và đã mang về giá trị kinh tế bình quân cho tỉnh khoảng 420 triệu USD/năm.

Tuy nhiên tới thời điểm này, qua rà soát, toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 26.900ha thanh long, giảm hơn 3.000ha so với trước năm 2019, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thôn Lâm Giang (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) đã quyết định cải tạo hơn 2,5 sào thanh long để trồng lúa. Lý giải việc chuyển từ thanh long sang trồng lúa, nhiều hộ dân cho biết, do kinh phí đầu tư cao nên năm nào cũng lỗ.

thanh-long-binh-thuan-1-1730860763.jpg
Nhiều diện tích thanh long cằn cỗi dần được thay thế bởi cây trồng khác. (Ảnh Báo Bình Thuận)

Giá thanh long gần đây biến động và luôn ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Dù được xác định là cây trồng chủ lực, tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất thanh long ở Bình Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khâu bảo quản chế biến còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa bền vững;… cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất thanh long.

Một khó khăn nữa của thanh long Bình Thuận là dù đã đã được xuất khẩu chính ngạch qua 20 thị trường trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Úc... tuy nhiên thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc. Sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng rất lớn.

Do sản xuất thanh long của bà con còn manh mún, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch vẫn còn hạn chế, xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ thấp.

Đồng thời, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, phần lớn chưa đáp ứng được các điều kiện như tiêu chuẩn GlobalGAP, LocalGAP, hữu cơ… để xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long đã từng bước tìm kiếm được thị trường, giải quyết được một phần đầu ra cho trái thanh long. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hợp tác xã khó khăn do thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, số lượng thành viên ít, quy mô sản xuất nhỏ nên việc thực hiện các khâu dịch vụ còn hạn chế, không đủ năng lực để trực tiếp xuất khẩu.

Tổ chức lại khâu sản xuất thanh long đạt chuẩn xuất khẩu

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. 

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, tỉnh sẽ cũng cố lại xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn đáp ứng những điều kiện trong nước và ngoài nước; liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho bền vững; hỗ trợ bà con xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách hỗ trợ cho người trồng thanh long.

thanh-long-binh-thuan-4-1730860798.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu. (Ảnh Báo Bình Thuận)

Theo đó, Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở phối hợp với các địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP cũng như triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP, thanh long hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, có giá trị cao, đặc biệt là châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ…

Đặc biệt, vận động, phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Vừa qua, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã tham mưu UBND tỉnh này ban hành đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm….

Để đề án sớm triển khai hiệu quả, ngoài Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sự chung tay của các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan.

thanh-long-binh-thuan-3-1730860827.jpg
Bình Thuận đề ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.(Ảnh Báo Bình Thuận)

Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về phát triển thanh long. Củng cố Hiệp hội thanh long Bình Thuận để phát huy vai trò là đại diện, cầu nối với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh, đủ năng lực quản lý chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác, khách hàng để mở rộng, khai thác thị trường xuất khẩu sang các nước đã có bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý.

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…/.

Bình Nguyên