Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Theo các chuyên gia, việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc phát triển khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, các doanh nghiệp chưa xem trọng khoa học và công nghệ là nền tảng cốt lỗi trong kinh doanh.
v5146-1695911536.jpg
Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (VST), tính đến hết năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ được công nhận trên tổng số 3000 doanh nghiệp tiềm năng. Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động phát triển sản xuất tốt, tạo ra nhiều việc làm ho người lao động, đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong Top 500 có tốc độ tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ được thương mại hóa ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chỉ tính riêng hội viên của VST, nhân lực phục vụ cho khoa học và công nghệ cũng lên đến hơn 4.636 người. Năm 2022 các doanh nghiệp khoa học và công nghệ là hội viên VST đã có đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước (ước tính đạt 279,5 tỷ đồng).

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, tại Hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, Chủ tịch VST, Hoàng Đức Thảo cho rằng, những thành tựu đã đạt được của ngành có ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ với tỷ lệ đầu tư và năng suất hoạt động khoa học và công nghệ khá cao. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh cao và việc tái đầu tư theo yêu cầu.

Mặt khác việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đồng bộ, dẫn đến việc phát triển khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, các doanh nghiệp chưa xem trọng khoa học và công nghệ là nền tảng cốt lỗi trong kinh doanh. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa có hướng đi đúng đắn. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước thực trạng này, bên cạnh kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo, đại diện hiệp hội cũng đề xuất Bộ khoa học và công nghệ xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.

Đồng thời, Bộ khoa học và công nghệ cần tạo điều kiện cho Hiệp hội các doanh nghiệp khoa học công nghệ được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực khoa học công nghệ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam.

Hương Lan