Giải pháp nào giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh?

Mặc dù chiềm 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước,... nhưng nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tụt hậu so với các vùng nông nghiệp trọng điểm khác.
dong-bang-song-cuu-long-9655-1693902481.jpeg
Tìm giải pháp thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững. Ảnh minh họa

Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là “vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia.

Với tổng diện tích 40.577,6 km² và có tổng dân số gần 17,8 triệu người (năm 2022), được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước và là vựa lúa của Việt Nam.

Đây cũng là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu.

Nhìn vào cấu trúc kinh tế, khu vực này có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp cao nhất, năm 2020, chiếm 31,1% trong GRDP, trong khi con số này bình quân cả nước là 14,85%. Trong 2 năm 2020-2021, xuất khẩu nông, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước.

Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, tình trạng di dân ồ ạt, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt, hạ tầng giao thông yếu kém... 

Ngoài ra, yếu tố thị trường mang đến nhiều cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức, áp lực trong tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp, khả năng cạnh tranh, nhất là nguồn lao động. Hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu kết nối, hạ tầng dịch vụ logistics yếu, dẫn đến chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, thiếu khả năng cạnh tranh.

Một vấn đề nổi cộm đối với nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cơ giới hóa còn chậm và không đồng đều. Bên cạnh đó, việc thiếu năng lực quản trị chuỗi cung ứng, liên kết kinh tế không chặt chẽ đang là một trở lực lớn cho phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long...

Vì vậy, nhằm gỡ khó cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1849/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2023 với chủ đề “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, diễn đàn được kỳ vọng tạo ra động lực phát triển mới khi các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố hình thành và phát triển; đặc biệt là Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời mang lại các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức để triển khai có hiệu quả Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ..

Đông Nghi