Với lợi thế về tự nhiên và được mệnh danh là "vựa lúa, vựa trái cây" của cả nước… nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL đang phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp trong thời gian gần đây.
Chỉ tính riêng những tháng đầu năm, số lượt khách tham quan du lịch ĐBSCL tăng 61%, tổng doanh thu tăng 116% so với cùng kỳ. Điều này khiến nhiều Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, xây dựng phát triển bài bản hơn.
Trong các tháng đầu năm, ĐBSCL đã cho thấy sức hút khi lượng khách du lịch và doanh thu đều tăng mạnh. Các tỉnh, thành ĐBSCL có lượt khách tăng mạnh trên 100% là An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp…
Đáng chú ý, sự hồi phục này đã diễn ra từ sau dịch COVID-19 khi du khách có xu hướng gắn kết với các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, một nét đặc trưng của khu vực ĐBSCL. Nếu ĐBSCL có thể tận dụng tốt cơ hội từ xu thế này, có thể góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc biệt tăng thu nhập của bà con nông dân.
Khu du lịch đặc biệt ở TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, được hình thành từ ý tưởng của những người nông dân khi những người vốn trước kia chỉ quen bàn chuyện sản xuất nông nghiệp, giờ đây họ đã liên kết cùng nhau, tận dụng những cảnh quan sẵn có để hình thành khu du lịch. "Du lịch cộng đồng là phải liên kết, chứ gói gọn ở đây thì rất cô đơn. Khách đi một quãng là hết, nên phải kết nối với các hội quán khác, cũng trong địa bàn xã này", ông Lê Phước Tánh, Chủ nhiệm Hội quán Thuận Tân, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết.
Lựa chọn một homestay ngay giữa làng gốm Long Hồ, Vĩnh Long, sống giữa thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của nông dân đối với nhóm khách đến từ châu Âu, đây là một trải nghiệm vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mình. "Ban đầu, khu vực ĐBSCL không nằm trong lịch trình du lịch của chúng tôi. Đây là một kế hoạch bất ngờ và nó thực sự tuyệt vời hơn những gì chúng tôi có thể mong đợi. Ấn tượng nhất là cuộc sống nông thôn, mang nét đặc trưng của miền Nam Việt Nam, với những con sông thơ mộng, ẩm thực cũng có nét riêng và đặc biệt một vùng văn hóa rất khác", anh Chi - An Thai, du khách Đức chia sẻ.
Thống kê của tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy, mỗi năm tỷ lệ khách du lịch nông thôn sẽ tăng từ 10- 30%, cao hơn các loại hình du lịch khác khoảng 4%. Đặc biệt, du lịch nông nghiệp đang tạo ra những thay đổi tư duy rất lớn của nông dân tại khu vực đồng bằng, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp./.