Tìm giải pháp khắc phục sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL) đã xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông: 666 điểm/744 km; bờ biển: 113 điểm/390 km). Để phát triển bền vững, các địa phương trong vùng phải làm tốt công tác quy hoạch, rà soát kỹ thực tế, phát huy thế mạnh của thiên nhiên, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải những hạn chế, bất cập, không thuận thiên…
15145-1693616431.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở tại Khu Du lịch Khai Long và Kênh Năm Ô Rô, xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TTXVN)

Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng

ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740 km bờ biển, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển, thủy sản, giao thông thủy. ĐBSCL là vựa lúa, trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước, cung cấp trên 50% sản lượng gạo sản xuất, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 70% trái cây, 40% thủy sản đánh bắt và 70% thủy sản nuôi trồng.

Như vậy, ĐBSCL chiếm vai trò rất quan trọng với ngành nông nghiệp – bệ đỡ cho sự phát triển. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, tình hình sạt lở tại ĐBSCL hiện rất đáng lưu ý. Theo đó, mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh).

Cùng với đó, xói lở nghiêm trọng trên các sông/kênh nối sông Tiền – sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi (nước sông Tiền có xu thế chuyển sang sông Hậu). Xói lở tập trung nhiều ở sông Tiền; tập trung ở An Giang, Tiền Giang và Cà Mau, trong đó An Giang 75 điểm, Tiền Giang 65 điểm, Cà Mau 86 điểm.

625-1693616736.jpg
Tình hình sạt lở tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. (Trong ảnh: Một vụ sạt lở tại An Giang - Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Nhiều vấn đề cho sự phát triển bền vững

Tại cuộc họp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL diễn ra chiều 12/8/2023 được tổ chức ở Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến rất phức tạp, Chính phủ rất quan tâm giải quyết vấn đề này. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó xác định mục tiêu trước mắt, lâu dài là gì để phát triển ĐBSCL; đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp; phải có nguồn lực để thực hiện công tác này.

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến, gợi ý các nhà quản lý thực hiện nhiệm vụ trước mắt là bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân, các công trình của Nhà nước, bảo đảm sinh kế của Nhân dân theo hướng “thuận thiên”. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Huy động nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của các địa phương, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương…

77-1693617044.jpg
Cùng với tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp thì ĐBSCL thường xuyên đối diện nỗi lo hạn mặn. (Nguồn ảnh: kinhtemoitruong.vn)

Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn. Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn...

Đồng thời rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa; xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tổng kết đánh giá các mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, bán tín chỉ carbon…

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp; một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Chúng ta phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; tinh thần là quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thiên Kim - Lê Thuận