Quảng cáo #128

Giải pháp nào để phát triển bền vững cây lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo chính của cả nước, tuy nhiên hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự chuyển đổi để thích ứng và phát triển.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên của vùng ĐBSCL cho thấy, điểm sáng nhất của ĐBSCL trong 2 năm trở lại đây là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông sản, thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại của nước ta.

Thống kê cho thấy, diện tích gieo trồng lúa của vùng ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định cuộc sống cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

Tuy nhiên, hiện nay, cây lúa vùng ĐBSCL đang phải đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn dẫn đến thu nhập của người nông dân trồng lúa chưa ổn định và thấp hơn nhiều so với các loại nông sản khác.

lua-1668939479.jpg
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. (Ảnh: Năng lượng Sạch Việt Nam)

Các chuyên gia ngành lúa gạo đánh giá, hiện nay cây lúa của vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu trong khi đó giá phân bón, vật tư lại tăng cao; điều kiện thủy văn thổ nhưỡng, trình độ khoa học công nghệ cũng như yếu tố thị trường chính cũng là những vấn đề lớn khiến đời sống nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, có 3 yếu tố và cũng là 3 khó khăn mà sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng đó là: điều kiện tự nhiên, thời tiết, thủy văn, thổ nhưỡng bởi toàn vùng không phải chỗ nào cũng trồng được. Tiếp đến là trình độ khoa học công nghệ của nông dân. Cuối cùng là nên chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không chỉ số lượng mà là chất lượng và giá trị mang lại.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, hạt gạo của đồng bằng vẫn còn dư địa rất lớn, có thể tiến tới dùng các bộ phận khác của cây lúa để ứng dụng sáng tạo sản phẩm mới giúp tăng thêm thu nhập cho bà con; chuyển sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp là chủ yếu cũng là giải pháp hiệu quả. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các tỉnh, nông dân sản xuất lúa gạo cũng nên tham khảo những mô hình tiêu biểu của tỉnh thành khác trong vùng và tìm ra giải pháp phù hợp cho địa phương, cá nhân mình.

Đơn cử, tại Đồng Tháp đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nâng cao lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích sử dụng đất so với trồng lúa từ 30 đến trên 550 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với hộ dân chỉ trồng lúa. Hiệu quả thu nhập bình quân 35-50 triệu/ha/năm.

Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, bức tranh cây lúa cũng có thêm nhiều gam màu sáng sau tái cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh đã định hình những vùng sản xuất lúa gạo tập trung phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng như vùng dự án Ngọt hóa Gò Công phía Đông, vùng kiểm soát lũ phía Tây... Mặt khác, việc phát triển hạ tầng giao thông cũng giúp tỉnh này thu hút đầu tư cho giá lúa.

Dưới góc độ là một nhà nông học nổi tiếng, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, từ năm 1989 đến nay, suốt 32 năm, nông dân trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà, đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa. Hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, cần tổ chức lại diện tích đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì sản lượng. Đồng thời, cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững, với 3 vùng sinh thái: Vùng thượng nguồn, vùng giữa và vùng ven biển.

Cụ thể, đối với vùng thượng nguồn sông Cửu Long, đây là vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra.

Đối với giữa đồng bằng, đây là vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng, hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi xen kẽ với các vườn cây ăn trái rất tốt trên liếp cao. Hướng tới sẽ giảm diện tích lúa, xen vụ thủy sản và trồng cây ăn trái.

Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất, lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng.

GS.TS Võ Tòng Xuân đề nghị, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại từ các diện tích lúa vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn.

Hoàng Hà (t/h)