Đồng bằng sông Cửu Long: Muốn tăng trưởng xanh bền vững, phải giải quyết vấn nạn môi trường

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 55% diện tích đất trồng trọt, 71% diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của cả nước. Vùng ven biển và bờ biển toàn khu vực dài hơn 700km, bằng 23% bờ biển cả nước. Có 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa đặc quyền kinh tế. Bởi vậy, một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và thế giới thừa nhận và khẳng định: Đây là một trong những đồng bằng rộng lớn nhất, phì nhiêu nhất không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á và thế giới. Trên thực tế, đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

Thời gian qua, toàn vùng đã đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Riêng năm 2021, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp tăng 1,6% bằng 32% giá trị tăng lượng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 1/3 giá trị sản phẩm toàn ngành nông nghiệp của cả nước. Đã sản xuất ra 24,5 triệu tấn thóc bằng 55,4%, 0,78 triệu tấn tôm bằng 83,5%, 1,47 triệu tấn cá tra bằng 98% và 4,3 triệu tấn trái cây bằng 60% của cả nước. Những con số rất ấn tượng và “biết nói” trên đây đã minh chứng hùng hồn vai trò, vị thế cực kỳ quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long đối với nền kinh tế Việt Nam và đối với cả khu vực.

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, nhất là những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả Vùng kinh tế trọng điểm bậc nhất này của cả nước.

Mới đây, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 13/NQ-TW khóa XIII về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đây là một Nghị quyết quan trọng nhằm đầu tư, quy hoạch, phát triển toàn diện, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long cả trước mắt lẫn lâu dài. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ở tầm vĩ mô đòi hỏi nhiều việc lớn phải làm như: Quy hoạch lại toàn vùng một cách khoa học, bài bản; đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng giao thông thủy bộ huyết mạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quyết liệt chống biến đổi khí hậu và giữ vững môi trường xanh, sạch, thân thiện với con người. Theo các nhà hoạch định chính sách có tính chiến lược, muốn đầu tư phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả lâu dài thì trước mắt một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là cần tập trung tháo gỡ, giải quyết những rào cản, vấn nạn trong ô nhiễm môi trường.

Theo một nghiên cứu độc lập cho chúng ta thấy những số liệu đáng giật mình: Gần 4 triệu dân đô thị sống ở đồng bằng sông Cửu Long có tần suất xả thải rác ra môi trường khoảng 103 triệu mét khối nước thải/năm, chất thải rắn trên 600.000 tấn/năm, tất cả đều chưa xử lý. Đó là chưa kể các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống trung bình xả 47 triệu lít nước thải/năm và 220.000 tấn chất thải rắn/năm. Riêng nước thải mỗi ngày 25.967 m3 (tỷ lệ được xử lý theo quy định là 97,3%).

24-1662526846.jpg
 

Mặc dù, mấy năm gần đây, các tỉnh, thành phố trong khu vực đều rất cố gắng trong việc xử lý rác thải, song kết quả vẫn không như mong đợi. Xin lấy một số ví dụ, hiện nay nhiều bãi rác quá tải như bãi rác Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (Thành phố Cần Thơ), bãi Phú Hậu (huyện Châu Thành - Đồng Tháp), bãi rác Rạch Còi, Tân Tiến, Long Mỹ (Hậu Giang) và các bãi ở huyện Châu Thành, Long Phú, thuộc xã Ngã Năm (Sóc Trăng) hằng ngày vẫn đang gây ô nhiễm nặng, song các địa phương trên vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.

Để giải quyết tình trạng này, một số tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng các lò đốt rác “công nghệ cao”, nhưng nhiều nơi đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” vì các “lò” này hoạt động không hiệu quả, không đạt năng suất thậm chí còn gây bệnh ung thư cho người dân xung quanh, điển hình như các lò đốt ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Năm, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Đi đôi với tình trạng xả rác thải sinh hoạt bừa bãi, nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị triều cường, làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa nước lũ dâng cao gây ngập úng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm trên các dòng sông, kênh rạch và một số khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề truyền thống là rất đáng báo động. Một số nhà máy, xí nghiệp ven sông Hậu vẫn lén lút xả nước thải công nghiệp thẳng ra sông lớn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của hàng triệu người dân sống dọc ven các con sông lớn. Tình trạng khai thác nguồn nước quá mức đang góp phần làm đảo lộn hệ sinh thái ở nhiều vùng nông thôn. Nhưng nghiêm trọng hơn, phải nói đến tình trạng sạt lở đất tại hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu gây mưa to, gió lớn và chế độ lũ luôn thay đổi.

Đặc biệt tình trạng chặn sông, xây nhiều đập thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn Mê Kông của nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đang làm thay đổi dòng chảy ở hạ lưu, gây khô hạn, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Tại nhiều huyện như Chợ Mới (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Châu Thành và Châu Thành A (Hậu Giang), thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) tình hình sạt lở làm mất nhà cửa, tài sản và hàng vạn hecta ruộng vườn, ao hồ nuôi trồng thủy sản, làm mất hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng ngàn, hàng vạn hộ dân ven các dòng sông.

Như vậy, ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cả thiên nhiên và con người đang vô tình tạo nên cảnh hỗn loạn, bất cập về môi trường sống. Có thể khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long đang được Đảng và Nhà nước đầu tư lớn, bài bản, dài hạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau và kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của vùng sông nước đặc biệt này. Nhưng, nếu đi đôi với đầu tư, xây dựng lớn mà không giải quyết thỏa đáng, đồng bộ, vấn nạn môi trường như xử lý triệt để vấn đề rác thải của người dân lẫn các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, ngăn chặn sạt lở sông ngòi vốn chằng chịt ở đây thì hiệu quả đầu tư sẽ rất hạn chế.

Nói cách khác, phát triển nhanh kinh tế, cơ sở hạ tầng phải đi đôi với giải bài toán khó là bảo vệ môi trường làm sao hạn chế, khắc phục có hiệu quả biến đổi khí hậu cực đoan, giải quyết tận gốc vấn nạn xả nước thải và chất thải rắn, tạo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường sống lành mạnh, an toàn, bình yên và hạnh phúc của gần 20 triệu dân ở khu vực này. Hy vọng với các Nghị quyết quan trọng được ban hành kịp thời, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội của vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển nhanh, vững chắc theo phương châm: “Giàu kinh tế, đẹp, an toàn về cảnh quan môi trường, người dân sống thân thiện, thanh bình và hạnh phúc.