Tiềm năng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

"Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) hoàn hảo hiếm có, thể hiện rõ nét đặc trưng kinh tế của vùng. Đặc biệt, vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, tập đoàn liên quan đến các thế mạnh của vùng; các viện/trường tập trung phát triển nông nghiệp sinh học và ĐMST".

Được mệnh danh là “Vùng đất Chín Rồng” – ĐBSCL là vùng đất giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong. ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Đồng thời, vùng cónhiều thế mạnh để hoạt động khoa học và công nghệ phát triển, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng, tạo nên những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Nhìn nhận về cơ hội khởi nghiệp của vùng ĐBSCL, tại “Diễn đàn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.HCM cho biết: "ĐBSCL có 3 yếu tố thu hút người làm khởi nghiệp là tập trung các doanh nghiệp lớn; viện/trường đại học; cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, không gian vườn ươm ĐMST. Trong top 500 các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, ĐBSCL có hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông nghiệp sinh học. Có thể nói, ĐBSCL là một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn hảo hiếm có, thể hiện rõ nét đặc trưng kinh tế của vùng. Tuy nhiên, các thách thức của vùng ĐBSCL còn tập trung nhiều ở năng lực nguồn nhân lực. Năng lực sáng tạo và phát triển kết quả sáng tạo cũng như năng lực hiểu biết thị trường và kết nối hệ sinh thái còn hạn chế".

Theo ông Tước, hệ thống đánh giá năng lực nghiên cứu Sihub, kết quả cho thấy vùng có hơn 300 ý tưởng mới và 50 ý tưởng xuất sắc, đây chính là những tiền đề, là tiềm năng để KN ĐMST phát triển. Mặc dù còn giới hạn trong đầu tư vào KHCN nhưng các sản phẩm và ứng dụng KHCN của vùng đã hoạt động hiệu quả, chiếm 37,1% và dẫn đầu tỉ lệ tăng toàn quốc. Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ cao của vùng còn chưa tốt nên khi đưa những công nghệ cao và hiện đại vào thì doanh nghiệp không hấp thụ được. Đây là vừa là cơ hội và thách thức để các bạn trẻ bứt phá, ứng dụng phát triển sản phẩm.

img-7347-1666248889.JPG
Diễn đàn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Ông Tước cũng quan sát thấy rất nhiều doanh nghiệp, tỉnh thành địa phương làm khởi nghiệp nhưng chưa thấy ai đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái. Khi không có mục tiêu sẽ không thấy được rõ ràng con đường đi để xây dựng và phát triển. Các doanh nghiệp cần dám nghĩ dám làm, đặt mục tiêu ứng dụng tối đa công nghệ cao cho doanh nghiệp và thực hiện từng bước vững chắc.

Nhận thấy KN ĐMST rất đặc biệt, ông đề xuất cần phải quản trị kỉ trị. Cần tập trung xây dựng nền tảng Hệ sinh thái KN ĐMST trực tuyến, lấy đây làm gốc, là nền tảng để phát triển. Đặc biệt cân nhắc ưu tiên tái ươm tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: thực tế, các doanh nghiệp tăng trưởng đến khoảng 50, 60 năm là sẽ bị tắc nghẽn, khó phát triển lên nhanh và cần giải phóng vùng tắc nghẽn đó.

Cuối cùng ông cho rằng, cần phải ký kết, hợp tác với các trường đại học: phổ biến nhận thức để đại học thay đổi; đào tạo; tư vấn cho các trường đại học. Đồng thời chú trọng phát triển logistics, kinh tế sông và đường cảng biển.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ chia sẻ về các khó khăn của vùng ĐBSCL phải đối mặt là các vấn đề lớn: kinh tế suy thoái, chịu tác động kép từ môi trường & tác động trầm trọng của biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp SME của vùng khả năng hấp thụ công nghệ và tư duy đổi mới còn hạn chế.

Để đặt ra 3 đầu bài mà vùng cần, bà mong muốn trong các chính sách đưa ra, cần có những chính sách ưu tiên làm bàn đạp cho vùng thúc đẩy công nghệ do chịu tác động to lớn của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó việc nâng cao nhận thức, tư duy cũng rất quan trọng. Bà Linh cũng hy vọng các chương trình đào tạo từ phía Qualcomm được tổ chức, đào tạo tại Vùng để nâng cao năng lực, tư duy của nguồn nhân lực ĐBSCL.

Để vùng ĐBSCL thực sự trở thành nơi để KN ĐMST phát triển, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Cần tập trung phát triển các tổ chức hỗ trợ, không nên chỉ tập trung vào 1, 2 vườn ươm, khu công nghiệp, chúng ta cần liên kết mở các viện trường, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp để xây dựng và phát triển vườn ươm, phát triển ý tưởng và thu hút đầu tư. Cần ứng dụng mô hình ĐMST mở, mở trong các viện trường để phát triển ý tưởng, mở trong các vườn ươm công nghiệp, chào đón tất cả mọi người đến và kết nối đầu tư. Và đặc biệt liên kết mở các vươn ươm ở trường đại học để lấy nhân lực, đầu tư để phát triển sản phẩm đưa ra quốc tế".

Đông Nghi