Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch xanh, bền vững

Hàng loạt sự kiện đẩy mạnh quảng bá du lịch tại nhiều tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sắp diễn ra như: Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022, diễn ra từ ngày 17/9 - 21/9, "Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022" sẽ diễn ra tại Bạc Liêu từ 27-29/11 tới đây,… sẽ là cơ hội để du lịch ĐBSCL cất cánh?

Hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thu hút du khách

Cụ thể, từ ngày 17/9 - 21/9, tại Long An sẽ diễn ra “Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022”, dự kiến lễ hội có 13 hoạt động, nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, cũng như giới thiệu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, ẩm thực đặc trưng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác của Long An. Đây là cơ hội để tỉnh Long An tìm kiếm đối tác, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch; đánh thức tiềm năng du lịch phong phú của địa phương.

tai-xuong-1663050749.jpg
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với vùng sông nước ĐBSCL.

Bên cạnh đó, ngày 23/11, Vĩnh Long sẽ tổ chức Lễ dâng hương, Lễ kỷ niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt gồm chuỗi hoạt động: Hội thảo về Cố Thủ tướng, hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại cấp quốc gia hội thi sinh vật cảnh, khởi công và khánh thành một số công trình và các hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Ngoài ra, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã công bố chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. "Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022" sẽ diễn ra từ 27-29/11 gồm các hoạt động chính như: Liên hoan ca nhạc, khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022, ngày hội tôm và muối, Hội thảo về sản phẩm OCOP... Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh về "đất và người" Bạc Liêu và tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, du lịch…

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA), hiện nay, không gian du lịch vùng ĐBSCL được chia thành 6 tiểu vùng sinh thái và 2 cụm du lịch phía Tây và phía Ðông. Cụm phía Ðông (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) khai thác sản phẩm đặc trưng về nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn tham quan làng nghề, các di tích lịch sử và homestay.

Cụm phía Tây (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng là nghỉ dưỡng biển đảo, sinh thái, sông nước, chợ nổi và tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.

Liên kết xây dựng phát triển sản phẩm du lịch xanh ĐBSCL

ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có thể khai thác nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống... đến du lịch biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng Mê Kông.

img-1761-1663050750.jpg
Cần phải liên kết xây dựng phát triển sản phẩm du lịch xanh ĐBSCL.

Để tổ chức tốt không gian du lịch vùng, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa sẽ là yếu tố quyết định. Xét trên yếu tố tự nhiên và đặc thù văn hóa, xã hội, không gian du lịch ĐBSCL có thể chia thành 4 cụm: cụm trung tâm gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam tổ quốc, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía Đông gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái rừng đặc dụng ngập nước nội địa. Trên cơ sở đó, tạo ra các liên kết về không gian, về sản phẩm thành cụm, vùng, tiểu vùng sông Mê Kông hoặc liên kết giữa các nước ASEAN. Chính sự hình thành một sản phẩm du lịch đặc thù chung trên cơ sở liên kết sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, đã tạo nên một sản phẩm du lịch đặc thù mới, có bản sắc độc đáo hơn, đặc sắc hơn.

Các tỉnh ĐBSCL cần liên kết gắn kết các sản phẩm, chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương để hình thành các chương trình tổng hợp, có nhiều hoạt động đa dạng để du khách có thể tham quan, tìm hiểu nhiều nội dung trong một chương trình du lịch tới vùng, địa phương. Điều đó sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chất lượng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và du lịch vùng ĐBSCL nói riêng chỉ rõ, việc phát triển “du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững. Một trong ba mục tiêu của chiến lược đã xác định. Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của phát luật về môi trường.

Thiên Kim