Giá tiêu hôm nay 18/7: Thị trường tiêu vào thế bất lợi do đồng USD lên cao

Theo ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh hôm nay (ngày 18/7), giá tiêu trong nước tuần qua giảm trung bình 1.000 đồng/kg và chính thức mất mốc 70.000 đồng/kg. Đồng USD lên cao kỷ lục tiếp tục đẩy các thị trường hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng vào thế bất lợi.

Theo khảo sát giá tiêu hôm nay (18/7) tiếp tục điều chỉnh giảm 500 đồng/kg tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Hiện giá tiêu tại Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 66.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg.

Như vậy, tổng kết tuần qua, giá tiêu trong nước giảm trung bình 1.000 đồng/kg và chính thức mất mốc 70.000 đồng/kg. Chỉ số USD lên cao kỷ lục tiếp tục đẩy các thị trường hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng vào thế bất lợi.

gia-tieu-hom-nay-18-7-1658104005.jpg
Giá tiêu hôm nay 18/7: Đồng USD lên cao kỷ lục đẩy thị trường tiêu vào thế bất lợi. Ảnh minh họa.

Trong tuần, tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l vẫn được duy trì ở mức 3.650 USD/tấn, loại 550g/l ở mức 3.900 USD/tấn, tiêu trắng 5.700 USD/tấn.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, thị trường tuần này cho thấy triển vọng tiêu cực, không có quốc gia nào được báo cáo với mức tăng. Mức giảm giá ghi nhận tại Nam Á do đồng nội tệ của các quốc gia giảm so với đồng USD, còn khu vực Đông Nam Á cơ bản đi ngang.

Nhận định về thị trường, đa số ý kiến đều tỏ ra bi quan khi đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này, sau khi một báo cáo lạm phát không mấy khả quan cho thấy áp lực về giá - vốn đã ở mức cao nhất trong hơn 40 năm - đang ngày một nặng nề. Cuộc họp tháng này dự kiến ngày 26 - 27/7.

Việc Fed tăng lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa nói chung và giá tiêu nói riêng. Đồng USD mạnh khiến các nhà xuất khẩu cầm chừng, không dám mua vào.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc dự trữ hồ tiêu tại khi xuất khẩu sẽ cạn dần. Khi đồng USD ổn định và giảm nhẹ nhờ triển vọng kinh tế tích cực, trùng với thời điểm cuối năm sẽ là đòn bẩy giúp giá hồ tiêu tăng trong giai đoạn cuối năm 2022.

Theo Vietnambiz, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoài Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ghi nhận sự sụt giảm tới 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Sự sụt giảm này cũng bắt đầu lan sang các doanh nghiệp thuộc VPA khi số liệu cho thấy xuất khẩu của khối này trong tháng 6 đạt thấp nhất 4 tháng gần đây (18.629 tấn), qua đó khiến xuất khẩu 6 tháng giảm 5,9%.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành hồ tiêu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới hai con số trong nửa đầu năm nay. Trong đó, Trân Châu tiếp tục đứng đầu xuất khẩu trong 6 tháng với khối lượng 16.131 tấn, tăng 16,1%.

Tiếp theo là Olam đạt 14.029 tấn, tăng 19,8%; Haprosimex JSC đạt 7.695 tấn, tăng 21,3%, Harris Freeman tăng 40,3%, DK Commodity tăng 16,2%, Ottogi Việt Nam tăng 72,7%…

Ngược lại, một số doanh nghiệp khác có lượng xuất khẩu giảm như: Nedspice đạt 9.602 tấn, giảm 0,2%; Phúc Sinh đạt 8.119 tấn, giảm 5,5%; Liên Thành giảm 28,9%, Gia vị Sơn Hà giảm 28,4%...

Anh Vân (t/h)