Giá thịt lợn có thể tăng khoảng 10% dịp cuối năm

Đây là thông tin dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) vừa đưa ra. Cũng theo dự báo, giá thịt gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào.
31292626160884507045008974070860249753371570n-16667539932071741940150-1666919815.jpg
Giá thịt lợn có thể tăng trong dịp cuối năm do lượng cầu có tính chu kỳ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cả các sản phẩm chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10/2022 không có diễn biến bất thường.

Giá có xu hướng tăng từ quý II khi thị trường thế giới có nhiều biến động, chi phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng tăng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nguồn cung giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại ở một số địa phương.

Sang tháng 8 và tháng 9, giá có xu hướng giảm trở lại do nguồn cung tăng nhưng lại có xu hướng tăng ở một số khu vực trong nửa đầu tháng 10. Cụ thể, giá thịt lợn mặc dù vẫn ở mức cao so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá lợn hơi dao động trong khoảng 56.000 - 63.000 đồng/kg trong tháng 9 nhưng nửa đầu tháng 10 biến động theo xu hướng tăng ở nhiều nơi.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định những tháng cuối năm có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá như xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực...

Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế.

"Đồng USD tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

31259536560767842923342058491867075263435391n-16667539825191797424914-1666919833.jpg
Việc tăng cường sản xuất sẽ giúp ngành nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Về an ninh lương thực tại Việt Nam vẫn được đảm bảo. Cụ thể về mặt hàng lúa gạo, trong 9 tháng năm 2022, giá lúa gạo tại miền Bắc có xu hướng tăng, giá lúa gạo tại miền Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL biến động tăng, giảm trái chiều trong tháng 9 nhưng giữ ổn định trong nửa đầu tháng 10, nhu cầu tiêu thụ giảm, nguồn cung cuối vụ khan hiếm. Trong khi đó, thị trường gạo các tỉnh miền Nam tiếp tục bình ổn.

Cùng với đó, giá thịt gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá thu mua gia cầm tại trại biến động tăng giảm trái chiều tại các vùng miền trong tháng 9/2022.

Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, góp phần ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong điều hành giá một số mặt hàng nông sản thiết yếu.

Cụ thể, Cục Trồng trọt đánh giá cụ thể tình hình sản xuất, cân đối cung cầu các mặt hàng lúa gạo, rau quả phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, định hướng sản xuất các dòng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, chất lượng cao phục vụ các phân khúc thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo dõi tình hình sản xuất và thu hoạch cây ăn quả trên cả nước; đề xuất chỉ đạo rải vụ với các đối tượng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu đảm bảo phù hợp với thị trường tiêu thụ; tuyên truyền, hướng dẫn địa phương tăng cường phối hợp, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và cách thức tổ chức tiêu thụ các 5 nhóm sản phẩm đã kết thúc vụ thu hoạch thành công (vải Bắc Giang, Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn Hưng Yên, Sơn La...).

Cục Chăn nuôi đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, tình hình nhập khẩu và cân đối cung cầu các mặt hàng thịt lợn, gia cầm và gia súc ăn cỏ phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng miền, địa phương để ổn định giá cả thị trường.

Hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân chăn nuôi lợn, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước từ nay đến cuối năm, nhất là cho Tết Nguyên đán Quý Mão.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước; đặc biệt tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản của các địa phương, đặc biệt trong dịp gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.