Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá quặng sắt loại tuần qua giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng từ 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận đầu tháng 5/2021 (khoảng từ 210-212 USD/tấn).
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn, giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Trong tháng 4/2022, giá thép phế nội địa giảm từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, giữ ở mức 12,1-13 triệu đồng/tấn trong tháng 4/2022.
Giá thép phế nhập khẩu cũng đã giảm 80 USD/tấn, giữ ở mức 570 USD/tấn vào cuối tháng 4 vừa qua. Giá thép cán nóng (HRC) ngày 9/5/2022 ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022.
Với việc giá nguyên liệu thế giới giảm, giá bán thép xây dựng trong nước đầu tháng 5/2022 đã điều chỉnh giảm trung bình từ 300.000-500.000 đồng/tấn kể từ cuối tháng 4/2022, hiện ở mức bình quân 18.250-18.500 đồng/kg, tùy loại sản phẩm và từng doanh nghiệp.
Theo VSA giá thép giảm còn do tiêu thụ giảm trong tháng 4 vừa qua. Nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng tăng cao khiến cho việc triển khai dự án chậm lại.
Theo đó, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,962 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng 3/2022 và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 2,419 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ.
Về thị trường, VSA nhận định, ngành thép trong nước sẽ tăng trưởng 15-20% trong năm nay, bởi nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công. Đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ.
Mặt khác, ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới (năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 45-50% so với năm 2020).
Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD; trong đó nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD, tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ôtô là 120 tỉ USD. "Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là thép chế tạo, hợp kim chất lượng cao", đại diện Bộ Công Thương cho biết.