Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT về việc chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc ER01.AD02).
Bộ Công Thương đã bắt đầu tiến hành rà soát cuối kỳ vào tháng 6/2021 theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và trên cơ sở Hồ sơ đề nghị rà soát của đại diện ngành sản xuất trong nước. Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm thép mạ nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Được biết, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10/2018 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8/2018.
Kết quả điều tra cho thấy sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể và trước mắt hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng không có khả năng tái diễn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra, thực hiện quy định của WTO, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn và ý kiến của các bên liên quan, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định giữ nguyên việc áp dụng biện pháp CBPG đối với các sản phẩm thép mạ của Hàn Quốc và Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu một số mặt hàng thép mạ từ các nguồn vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước cũng như của người tiêu dùng.