Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm có trên 1.000 điểm sạt lở, làm mất khoảng 600 - 800ha đất

Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất ở ĐBSCL đang ở mức báo động. Mỗi năm, toàn vùng mất khoảng 600 - 800ha đất và vị trí sạt lở đã hơn 1.000 điểm, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
sat-lo-dbscl-5-1728029727.jpg
Mỗi năm, toàn vùng mất khoảng 600 - 800ha đất và vị trí sạt lở đã hơn 1.000 điểm, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Sạt lở ở ĐBSCL có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới

Từng được ví như vùng “đất biết đi” nhờ phù sa từ sông Mê Kông bồi đắp quanh năm, nhưng hiện nay, ĐBSCL đang mất đất nghiêm trọng. Các nhà khoa học dự báo số vụ sạt lở tại vùng này sẽ gia tăng trong vài thập kỷ tới, với mức độ ảnh hưởng đáng lo ngại.

Thống kê cho thấy, thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông đã xảy ra tại ĐBSCL. Gần đây nhất Trà Vinh và Vĩnh Long vừa phải công bố tình huống sạt lở bờ sông khẩn cấp.

Cuối tháng 7, tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc hai xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km, có những đoạn sạt lở lấn sát chân đường ảnh hưởng tới nhà dân, trường học.

Ngày 30/7, tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn với chiều dài khoảng 200 mét, ảnh hưởng trực tiếp tới 15 nhà dân. Trước đó, trong tháng 6, tỉnh này cũng công bố tình huống sạt lở khẩn cấp 80 mét bờ sông Trà Ôn thuộc xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn và gần 270 mét bờ sông Măng Thít, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.

Ngày 25/7, tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ sạt lở bờ sông Tiền nghiêm trọng với chiều dài 50 mét, sâu 60 mét, nhấn chìm hơn 3.000 mét vuông đất tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.

sat-lo-dbscl-3-1728029774.jpg
Chiều ngày 27/9/2024, tỉnh Bạc Liêu đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh VOV)

Tại Cà Mau, đầu tháng 7, ven sông thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển bị sạt lở khiến 4 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông, 5 căn nhà phải di dời khẩn cấp trong đêm. Tính từ đầu năm, Cà Mau ghi nhận hơn 20 vụ sạt lở, làm đổ sụp và hư hỏng hàng trăm căn nhà, hàng nghìn ha đất sản xuất, gần 30km đường giao thông.

Tại thành phố Cần Thơ, tính hết 7 tháng năm 2024 đã xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 830m, tập trung tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng.

Mới đây, ngày 27/9/2024, tỉnh Bạc Liêu đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Các dự báo cũng cho thấy, đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 3 - 5%, phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện thượng nguồn. Hệ quả của việc thiếu phù sa là làm gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát quá mức trên các con sông ở ĐBSCL làm mất ổn định lòng dẫn, gây hiện tượng sạt lở và sụt lún.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định với tình trạng hiện nay, sạt lở ở ĐBSCL có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới do lượng phù sa từ sông Mê Kông ngày càng giảm, cùng với việc khai thác cát và nước ngầm quá mức. Khi thiếu phù sa, làm cho sông sâu hơn và bờ sông trở nên dốc, dẫn đến trượt và sạt lở đất để bù đắp.

"Sông Tiền và sông Hậu - hai sông chính vùng ĐBSCL hiện có đáy sâu hơn trước, nên phải rút đáy từ các sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó, sạt lở theo đó mà lan khắp nơi, tới cả các sông, kênh nội đồng. Điều này lý giải vì sao sạt lở vùng ĐBSCL hiện không chỉ ở các sông chính như trước đây mà còn xuất hiện toàn vùng, nặng nhất là tại các cù lao do nền đất yếu", PGS.TS Lê Anh Tuấn cho hay.

Ứng phó sạt lở bằng cách kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình

Theo nhận định của các chuyên gia, tốc độ sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra đến mức đáng báo động. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng châu thổ được bồi 100ha đất thì khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng bị mất tới hơn 350ha đất. Theo kết quả thống kê gần đây của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, toàn vùng đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km.

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo đó, trước đây lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long 150-160 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa hiện tại chỉ còn 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng.

Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; khai thác nước ngầm, phương tiện giao thông thủy di chuyển cũng là các yếu tố khiến sạt lở, sạt lở bờ sông thêm trầm trọng.

sat-lo-dbscl-4-1728029712.jpg
Trong mùa mưa bão hiện nay, đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với bờ Nam tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm), thuộc địa bàn khóm 4 và khóm 5, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh VOV)

Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã đầu tư nhiều nguồn lực vào việc xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trước tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, việc xây dựng kè bê tông, dù tốn kém nhưng không phải giải pháp lâu dài, khi một số đoạn kè sau vài năm lại xuất hiện sụt lún và sạt lở.

PGS. TS Lê Anh Tuấn nhận định, xây dựng kè kiên cố là cần thiết ở những khu vực đông dân cư và có vai trò quan trọng. Đối với các vùng thưa dân hoặc có nguy cơ cao, giải pháp di dời người dân cần được ưu tiên. Về lâu dài, nên kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình.

"Trong 4 năm qua, Hậu Giang đã xây dựng hơn 200km kè sinh thái dọc các kênh cấp 1, cấp 2 và đạt hiệu quả rõ rệt. Kè sinh thái được người dân làm bằng hàng rào cọc tre, tràm, lưới lót đất và trồng các loại cây như tràm, bần, dừa và cà na. Sau 2-3 năm, bờ bao ổn định, không chỉ chống sạt lở mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nhờ cây ăn trái. Chi phí cho kè sinh thái chỉ khoảng 150.000 đồng/m², bằng 1/10 so với kè bê tông, lại dễ triển khai ngay tại các hộ gia đình", ông nêu dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia, các địa phương cần lập bản đồ các khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời quản lý chặt chẽ hệ thống sông ngòi. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu giải pháp ổn định lòng sông tại những vị trí trọng yếu về kinh tế và dân cư. Ông cũng đề xuất giảm diện tích đê bao trồng lúa vụ 3 ở các vùng ngập lũ, mở đê đón lũ để nhận phù sa, giảm dòng chảy mạnh gây nguy hiểm cho khu vực hạ lưu.

Về cơ sở hạ tầng, PGS.TS Lê Anh Tuấn gợi ý xây dựng các tuyến cao tốc trên cao tại các khu vực thấp thay vì dùng cát để san lấp. Việc thiết kế cầu cao tốc trên cao bằng dầm xi măng hoặc các vật liệu thay thế không chỉ giúp tiết kiệm nguồn cát sông mà còn giảm nguy cơ sạt lở do hạn chế khai thác cát./.

Bình Nguyên