Nếu dự án được triển khai sẽ chống ngập, chống sạt lở và chỉnh trang đô thị của Cần Thơ theo hướng văn minh, sạch đẹp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Ngày 12/6/2024, UBND TP Cần Thơ có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT đầu tư trên 4.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, xuất phát từ thực tế sạt lở tại bờ trái sông Hậu hướng từ quận Ninh Kiều lên tới quận Ô Môn thì Chi cục thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ đề xuất dự án kè phòng chống sạt lở, ngăn triều cường và chỉnh trang đô thị.
Trên cơ sở nhận được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thì Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cũng đã phối hợp với UBND quận Ninh Kiều, Bình Thủy khảo sát toàn tuyến và đã xây dựng phương án. Tuy nhiên, đây là đề xuất ban đầu và chưa chốt phương án, chủ trương đầu tư và dự án đang xin nguồn vốn của Trung ương để đầu tư nhưng cũng chưa biết thế nào.
Liên quan đến việc đề xuất của Cần Thơ cho dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán Bộ NN&PTNT thì tổng mức đầu tư dự án thấp hơn nhiều so với đề xuất của thành phố. Ngày 29/7, tại buổi họp cơ quan báo, đài định kỳ quý II/2024 do UBND TP Cần Thơ tổ chức, có phóng viên đặt vấn đề liên quan đến sự chênh lệch đề xuất nguồn vốn đầu tư này. Lý giải về nguyên nhân trên Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, dự án của thành phố là xây dựng kè chống ngập, chống sạt lở và kết hợp chỉnh trang đô thị.
Theo ông Dương Tấn Hiển, theo quyết định số 1519 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì định hướng phát huy lợi thế hệ thống sông, rạch của thành phố. Vì vậy đối với Dự án của thành phố không chỉ xây dựng kè chống ngập, sạt lở, mà trên kè sẽ làm công viên, làm đường giao thông. Chính vì làm đường giao thông kết nối thì chi phí của thành phố đề nghị sẽ khác với Bộ NN&PTNT.
Thành phố Cần Thơ làm kè, chỉnh trang đô thị, làm đường đi bộ, công viên, trong đó làm đường giao thông. "Cho nên lý do vì sao mà thành phố Cần Thơ có sự chênh lệch giữa thành phố Cần Thơ làm ra dự kiến 4.500 tỷ đồng nhưng mà Bộ NN chỉ tính ước khoảng 2.000 tỷ, mà 2.000 tỷ là chống ngập được rồi. Nhưng mà ở đây mình không phải chống ngập, chống sạt lở không mà còn chỉnh trang đô thị, phát triển thế mạnh của thành phố Cần Thơ là phát triển trên sông".
Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, từ năm 2004 đến 2023 trên địa bàn thành phố ghi nhận 14 năm mực nước trên sông Hậu vượt báo động 3. Trong đó hàng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch nhiều khu vực ở Cần Thơ bị ngập từ 0,3m - 1,0m, và trong những năm gần đây tình hình ngập diễn biến ngày càng nghiêm trọng với mức độ ngập cao và kéo dài, đặc biệt là khu vực quận Ninh Kiều, Bình Thủy đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông, sản xuất nông nghiệp và cảnh quan của thành phố.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của các đợt triều cường đã xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn. Vì vậy, Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ là bức thiết hiện nay. Dự án có diện tích chống ngập vùng nội ô thành phố khoảng 2.770 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và giai đoạn thực hiện từ 2024 – 2030, khi dự án hoàn thành sẽ chống ngập, chống sạt lở và tạo diện mạo mới cho đô thị Cần Thơ.
Về tiến độ triển khai, ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết thêm, hiện dự án chỉ là ý tưởng ban đầu. Đến thời điểm hiện tại, chưa chốt phương án cũng như chủ trương đầu tư./.