Khi sắn trở thành cứu tinh của bản
Với khả năng sinh trưởng vượt trội trong điều kiện khắc nghiệt, sắn như một "chiến binh" dẻo dai, chinh phục mọi vùng đất cao. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại cho năng suất cao, trở thành lựa chọn hàng đầu của bà con nông dân. Đặc biệt, vào những năm 1990, sắn như “cây trồng chủ lực" tỏa sáng, phủ xanh những ngọn đồi, của người dân vùng cao Thanh Hóa.
Trước đây, khi bà con miền núi Thanh Hóa chỉ trồng lúa một vụ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bữa ăn hằng ngày chủ yếu là cơm độn sắn, rau rừng, thậm chí là củ mài. Cây sắn, với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, đã trở thành "bát cơm" cứu đói, giúp người dân vượt qua những ngày đói khổ. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Hà Văn Khương (70 tuổi), trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, chia sẻ: “Nhờ cây sắn mà bà con chúng tôi đã vượt qua đói rét.
Nhờ sự vận động và tuyên truyền của chính quyền các cấp, bà con đã chuyển từ trồng lúa nương sang lúa nước hai vụ, mang lại sự thay đổi rõ nét trong cuộc sống. Những bát cơm độn sắn đã trở thành ký ức, nhường chỗ cho những bữa ăn đủ đầy, ấm no. Cũng từ đó, trẻ em đến tuổi đều được đi học đầy đủ, nhà cửa khang trang hơn.
Tuy nhiên, với những ám ảnh về quá khứ, cũng như lời dạy của ông cha “được mùa chớ phụ ngô khoai” nên dân làng vẫn duy trì trồng sắn. Củ sắn vừa có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi, vừa có thể bán cho thương lái để có tiền mua thêm những vật dụng thiết yếu. Nên những đám đất bạc phếch trước kia đều được mọi người trong làng tận dụng trồng sắn để gia tăng thu nhập. Chỉ trong vòng thời gian ngắn, tất cả những khoảnh vườn, quả đồi trọc đều được khoác lên một màu xanh của lá sắn.
Mỗi mùa thu hoạch sắn, bản làng rộn ràng như ngày hội. Tiếng cười nói vang khắp nơi, người lớn trẻ nhỏ cùng nhau thu hoạch, những gánh sắn nặng trĩu được khiêng về nhà. Nhờ sắn được mùa, giá bán cao, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái học hành đầy đủ.
Chia sẻ về những đóng góp của cây sắn trong hành trình thoát nghèo của bản vùng cao, ông Hà Đức Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân huyện Như Thanh cho biết: “Phải khẳng định cây sắn có vai trò quan trọng trong đời sống của bà con vùng cao. Từ chỗ giúp bà con qua cơn đói khát trở thành nông sản đầu tiên đem lại hiệu quả kinh tế để người dân thoát nghèo. Đặc biệt, từ khi được chính quyền hướng dẫn về kỹ thuật cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp, xí nghiệp thu mua đã mở ra cơ hội làm giàu cho bà con. Do đó mà nhiều cây trồng kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng sắn”.
Thế nhưng, bức tranh tươi đẹp ấy dần phai nhạt khi cây sắn phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Bệnh dịch, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh của các loại cây trồng khác đã khiến năng suất sắn giảm sút đáng kể. Nhiều diện tích trồng sắn bị bỏ hoang, người dân lâm vào cảnh khó khăn, tìm kiếm những cây trồng mới để thay thế.
Tìm ánh hào quang, khôi phục hoàng kim cho sắn
Những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho người dân. Năng suất và chất lượng tinh bột sắn giảm sút, khiến diện tích trồng sắn bị thu hẹp đáng kể. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con mà còn khiến nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Ông Bùi Văn Mạnh trú tại xã Kiên Thọ huyện Ngọc Lặc nhớ lại: “Nhà tôi trồng hơn 2ha sắn, nếu như những lần trước sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ ha. Nhưng từ khi bước sang năm 2017, trên địa bàn bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá sắn. Do đó năng suất và chất lượng tinh bột sắn giảm hẳn, kết hợp với giá thu mua thấp nên mỗi ha chỉ đạt từ 10 đến 20 triệu đồng”. Cũng chính vì vậy, nên những năm sau đó, tôi chỉ tập trung trồng ở vùng đồng bằng, còn lại chuyển sang trồng keo với trồng nghệ vàng”.
Chất lượng sắn giảm, dẫn đến diện tích cũng bị thu hẹp, nên có những năm, nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do phải hoạt động cầm chừng. Thậm chí một số nhà máy phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Khiến hàng chục lao động thường xuyên tại nhà máy phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Ông Lê Ích Cảnh, chủ cơ sở sản xuất tinh bột xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay cơ sở chế biến của tôi thiếu hụt rất nhiều nguyên liệu. Nguyên nhân là do diện tích trồng sắn trên địa bàn bị thu hẹp, giá thu mua lại cao, trong khi thị trường tiêu thụ tinh bột bấp bênh nên rất khó khăn”.
Để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở chế biến tinh bột phải nhập sắn từ các tỉnh thành khác. Ngoài ra, để có vùng nguyên liệu bền vững, một số cơ sở đã liên hệ, đưa cây giống từ vùng cao, nơi chưa có sâu bệnh xuống cho bà con trồng thử. Tuy nhiên, chất lượng vẫn không được cải thiện do kỹ thuật với công chăm sóc chưa đảm bảo.
Ông Hà Ngọc Sơn, chủ cơ sở chế biến tinh bột dong và bột sắn Sơn Dung ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) chia sẻ: “Từ 3 năm trở lại đây, tôi đã phải lên tận huyện Mường Lát để lấy cây sắn giống chưa mắc bệnh khảm lá xuống cho bà con ở xã Kiên Thọ và các xã lân cận trồng. Tuy nhiên do lực lượng lao động chính trên địa bàn chủ yếu đi làm tại các công ty, do vậy cây sắn chưa thực sự được quan tâm, chăm sóc dẫn đến sản lượng vẫn chưa đạt yêu cầu”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn lên tới 588,675ha, trong khi diện tích được phòng trừ chỉ là 139,35ha. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân đã triển khai mô hình trồng giống sắn HN5 kháng bệnh, nhằm phục hồi và mở rộng diện tích trồng sắn, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến.
Giống sắn HN5 nổi bật với khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao (đạt 30-35 tấn/ha), chất lượng củ tốt, mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với các giống sắn địa phương (khoảng 45-50 triệu đồng/ha so với 15-20 triệu đồng/ha).
Để hỗ trợ nông dân áp dụng hiệu quả mô hình trồng sắn HN5, các trung tâm nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, tập trung vào các khâu chọn giống, bón phân, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, người dân đã nắm vững quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, diện tích trồng sắn HN5 năm 2024 đã tăng 65,85 ha so với năm trước, đạt 1.744,4 ha. Năng suất bình quân đạt 215,1 tạ/ha, tăng 2,4% so với kế hoạch. Nhờ đó, sản lượng sắn đạt 37.522 tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Kết quả này cho thấy mô hình trồng sắn HN5 đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết vấn đề bệnh khảm lá sắn và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cây sắn, người bạn đồng hành của người dân miền núi từ bao đời nay, đang đứng trước những cơ hội mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nông thôn. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị bền vững là chìa khóa để cây sắn tiếp tục vươn xa, đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền./.