Câu chuyện phát huy tiềm năng cây sắn tại Quảng Trị

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá sắn là một trong những loại cây trồng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đem lại nguồn thu tốt cho địa phương. Trong chiến lược phát triển, tỉnh vẫn có kế hoạch ưu tiên phát triển diện tích trồng sắn và xem đây là một trong những loại cây trồng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cho biết, kế hoạch phát triển cây sắn tại tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn...

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành sắn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước hơn 500.000 ha/năm, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Sản phẩm sắn chủ yếu được xuất khẩu các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia... Từ năm 2018 - 2022, kim ngạch xuất khẩu sắn tăng từ 0,958 tỉ USD lên gần 1,5 tỉ USD.

z4546591608239-f203416ee716f5ad8dc7509dbd48af3e-1690369439.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Hiệp hội Sắn Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị

Cụ thể, từ cuối năm 2018, Hiệp hội đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ khó khăn để đăng ký Danh sách các doanh nghiệp ngành sắn được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sắn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc duy trì trong khoảng từ 90% – 95%/năm.

Đến năm 2022, xuất khẩu sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc và Malaysia tăng mạnh. (sang Hàn Quốc tăng 52,4% về lượng và 62,5% về trị giá; sang Malaysia tăng 197,2% về lượng và 194,0% về trị giá so với năm 2021).

Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp không nhỏ trong việc xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Nghiêm Minh Tiến cũng thông tin về kết quả Đại hội Nhiệm kỳ III Hiệp hội Sắn Việt Nam vừa được tổ chức vào tháng 6/2023. Hiệp hội đã đề ra các giải pháp, phương hướng như: duy trì diện tích sắn cả nước đạt từ 500.000 - 520.000 ha/năm. Hạn chế tình trạng cạnh tranh thu mua không lành mạnh, gây thiệt hại chung cho ngành sắn trong nước; kiểm soát an toàn dịch bệnh trên cây sắn; đầu tư mở rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, nâng tỷ lệ chế biến sâu sau tinh bột sắn từ 6,7% lên 15%; mở rộng, đa dạng hóa thị trường…

Hiệp hội Sắn Việt Nam đã kiến nghị và trao đổi với địa phương các nội dung về đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu sắn và quy mô sản xuất tinh bột sắn, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững cây sắn ở địa phương. Trong đó, Hiệp hội đã có các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh để đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất, đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển cây sắn ở địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã có ý kiến phản biện ở các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Bà rịa Vũng tàu về việc mở rộng số lượng nhà máy trong khu vực phải cân đối với vùng nguyên liệu đáp ứng.

z4546591608471-eef273885c152fd002757229f54f55cd-1690369511.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Hiệp hội Sắn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm

Tại Quảng Trị hiện có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn với quy mô 700 tấn sản phẩm/ngày đêm, diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh khoảng 12.000 ha, sản phẩm của các nhà máy đạt khoảng 90.000 – 100.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. đặc biệt là hàng ngàn hộ dân trồng sắn tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông.

Theo ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, diện tích và năng suất mới đảm bảo được 60% công suất nhà máy, buộc các nhà máy phải thu mua từ nước bạn Lào để đảm bảo sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu đã tạo ra động lực để thực hiện hiệu quả chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Riêng nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004, với công suất ban đầu chỉ 200 tấn/ngày đêm, đến nay nhà máy đã nâng công suất lên 400 tấn sản phẩm/ngày đêm. Tổng sản lượng từ 143.000 tấn củ tươi niên vụ năm 2020-2021 đến niên vụ năm 2022-2023 đã đạt được 217.000 tấn. Từ diện tích trồng sắn hơn 8.000 ha năm 2018 đã tăng lên hơn 12.000 ha vào năm 2023. Doanh thu từ tiền bán sắn củ tươi của bà con năm 2018 hơn 300 tỷ đồng, đến năm 2022 đã tăng lên 600 tỷ đồng. Nhà máy đảm bảo việc làm cho hơn 200 lao động, quan trọng hơn cả khi đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 10.000 hộ nông dân 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông....

Thương hiệu tinh bột sắn Hướng Hóa Quảng Trị đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình ở thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Ngoài ra Nhà máy thường xuyên tổ chức và duy trì các hoạt động về chính trị văn hóa, xã hội điển hình như tổ chức cho cán bộ các xã khu vực Lìa được đi thăm quan tìm hiểu về trồng sắn, thành lập câu lạc bộ 100 triệu đồng những người trồng sắn nhằm khuyến khích người nông dân phấn đấu làm ăn giỏi. Nhà máy cũng đã khai trương phòng khách Bông Sắn Vàng phục vụ bà con đến Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa bán sắn với các dịch vụ ăn uống hoàn toàn miễn phí, tạo nên tâm lý phấn khởi cho bà con nông dân địa phương. Đời sống của đồng bào từ chổ thiếu ăn thiếu mặc nay đã xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu nhờ củ sắn, con cái được học hành đàng hoàng, dân trí được nâng cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá sắn là một trong những loại cây trồng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đem lại nguồn thu tốt cho địa phương. Trong chiến lược phát triển, tỉnh vẫn có kế hoạch ưu tiên phát triển diện tích trồng sắn và xem đây là một trong những loại cây trồng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển cây sắn tại tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn về: giống, dịch bệnh, cơ sở hạ tầng, đầu ra sản phẩm, năng suất sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa sẵn có… Từ đó, bên cạnh các kiến nghị Trung ương các chính sách về đất đai, tín dụng hỗ trợ người trồng sắn, tỉnh đề nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam, các doanh nghiệp hỗ trợ về tổ chức điều tra, dự báo thị trường tiêu thụ… tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược phát triển cây sắn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

z4546591599137-a0a2ef758135377cd09a2c78bce6a3c0-1690369575.jpg
Ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (bên trái) thay mặt Hiệp hội trao 100 triệu đồng ủng hộ Chương trình Hoa dâng mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Trị

Dịp này, nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Hiệp hội Sắn Việt Nam ủng hộ Chương trình Hoa dâng mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Trị 100 triệu đồng.

Đoàn Thuận