Cần gỡ những "nút thắt" để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây sang Mỹ

Theo giới chuyên gia, để bán được sản lượng lớn trái cây tươi vào Mỹ bắt buộc các doanh nghiệp (DN) Việt phải nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày theo đường biển nhằm tiết giảm chi phí thay vì đi theo đường hàng không với chi phí đắt đỏ.

Số liệu 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái (giảm 11%), trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, mới đây với việc bưởi Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính như Mỹ đã mở ra rất nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường vào quốc gia tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới (15 tỷ USD mỗi năm).

Ở góc độ của một doanh nghiệp DN hàng đầu có nhiều năm xuất khẩu (XK) trái cây vào những thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đánh giá trong các loại trái cây tươi của Việt Nam được chính thức cấp phép xuất vào Mỹ chỉ có trái nhãn đến nay là còn có vẻ được, trong khi với trái thanh long, vải, chôm chôm thì lại… “thua”.

Ngoài ra, ông Tùng nhận định cửa xuất khẩu càng thêm rộng với trái cây Việt bởi cùng với việc Mỹ mở cửa cho trái bưởi, trái cây tươi thứ 7 vào thị trường này, Việt Nam vừa có thêm doanh nghiệp thứ 2 chiếu xạ trái cây đi Mỹ, sẽ tháo gỡ khó khăn lâu nay cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải xếp hàng chờ chiếu xạ. Cùng với việc yêu cầu 100% trái cây tươi chiếu xạ, thị trường Mỹ còn đòi hỏi tiêu chuẩn cao, từ vùng trồng đến nhà máy.

Nhưng để tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Vương Đình Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát, ngoài yếu tố mẫu mã, chất lượng hàng hóa thì những yếu tố kỹ thuật khác, các nhà kỹ thuật nên hiểu và áp dụng, như tiêu chuẩn về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi nhập khẩu vào Mỹ, phải đảm bảo ở ngưỡng an toàn cho phép.

Bên cạnh đó, theo Bộ phận phân tích của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), việc sử dụng đường hàng không để vận chuyển lại đẩy giá bán của nhãn lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, nếu không có định hướng và đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, nhãn Việt Nam sẽ khó tăng giá trị cao hơn.

dn0-1636-1666021595.jpeg
Trong những “bàn thua” của một số loại trái cây được cấp phép xuất vào Mỹ thì một trong những nguyên nhân chủ yếu phải kể đến công nghệ bảo quản vẫn còn hạn chế. Ảnh minh hoạ

Với kinh nghiệm của mình, ông Tùng nhấn mạnh để XK trái cây tươi hiệu quả vào thị trường xa như Mỹ thì công nghệ bảo quản dài ngày phải cực kỳ tốt. Bởi lẽ, nếu từ Việt Nam vận chuyển bằng đường biển sang cảng Long Beach (hải cảng lớn thứ hai của Mỹ về số lượng container bốc dỡ) với điều kiện chưa dịch bệnh là 17 ngày, cộng với thu hái trái là 21 ngày. Và từ hải cảng đi về các điểm bán buôn sỉ (wholesale) là mất 3 ngày, rồi từ wholesale đi vào các chợ, siêu thị tiếp tục mất thêm 3 ngày. Như vậy tổng cộng là 27 ngày.

Điều đó đòi hỏi công nghệ bảo quản trái cây tươi của Việt Nam phải làm sao còn được phải ít nhất 10 ngày mới bán được tại Mỹ (gồm 3 ngày ở chợ bán và người tiêu dùng Mỹ mang về ăn được trong các ngày còn lại). Còn nếu không đạt được khả năng bảo quản dài ngày như vậy, khi trái cây Việt sang đến Mỹ sẽ sớm hư hỏng, buộc phải đổ bỏ.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải có công nghệ bảo quản tốt để hàng của mình có thể đi bằng đường tàu biển, nếu bằng máy bay thì hiệu quả tiêu thụ không cao, do giá thành cao quá, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại ở Nam Mỹ. Việt Nam đẩy mạnh việc chế biến lên mới chiếm lĩnh được thị trường Mỹ nhiều hơn.

Theo ông Nguyên, hiện Mỹ là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của trái cây Việt, song trên thực tế Việt Nam mới chỉ chiếm lĩnh chưa được 2% thị phần, với khoảng 200 triệu USD. Trong khi mỗi năm Mỹ - nước tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới - dành đến 15 tỷ USD để nhập khẩu rau quả tươi, nhất là trái cây vùng nhiệt đới, cho thấy dư địa để trái cây Việt khai thác thị trường này là rất lớn.

Thi Nguyên (t/h)