Nông nghiệp xanh và hiện đại cần tạo sức bật từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh và hiện đại.
chuyen-doi-so-nong-nghiep-02-1704161666.jpg
Chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chưa được khai phá hết tiềm năng.

Số hóa giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Thời gian quan, việc chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất đã góp phần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.

Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tại tỉnh Bắc Ninh thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.

Cũng từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 71 vùng trồng rau màu chuyên canh với quy mô từ 5 ha trở lên, 24 vùng cây ăn quả tập trung quy mô 2 ha và hơn 40 ha diện tích nhà màng, nhà kính sản xuất rau, hoa cao cấp.

Tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ sức khỏe người dân. Hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 100 ha lúa và vụ đông xuân năm 2022-2023 có hơn 250 ha lúa được phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân bằng thiết bị bay không người lái.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-02-1704161666.jpg
Ứng dụng thiết bị IOT trong nông nghiệp đạt được hiệu quả cao.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp. Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70 ha. Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20 ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8 ha. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong hai lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Qua đó giúp sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán ở chợ.

Nhận thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, tỉnh Hải Dương đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp khá hiệu quả. Tỉnh đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên các nền tảng số giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng và vẫn giữ được giá. Ðến nay, gần 600 sản phẩm nông sản của Hải Dương được bày bán trên các sàn thương mại điện tử; hơn 108 nghìn hộ sản xuất có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 117 nghìn hộ được đào tạo kỹ năng số...

Số hóa nông nghiệp cần nhanh và vững chắc

Nhận định việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với Trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, theo "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, ngành đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

chuyen-doi-so-nong-nghiep-01-1704161759.jpg
Triển khai thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại lúa trên điện thoại di động tại An Giang (Ảnh: NQ)

Nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số mở ra 3 xu thế. Thứ nhất là bỏ qua khâu trung gian, đó chính là sàn thương mại điện tử. Thứ hai là phi tập trung hóa, giúp cho từng hộ nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp số cung cấp công nghệ, thông tin như là dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ với giá phù hợp. Thứ ba, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Từ đó, chuyển đổi số sẽ giúp hình thành số hóa đất đai, môi trường,…

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch riêng cho chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ cần nhanh chóng phát triển trang web để trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số trong và ngoài nước. Thực tế, chuyển đổi số sẽ góp phần giải quyết những bài toán lớn của ngành nông nghiệp như về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thu nhập thấp,…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần kiện toàn bộ phận về công tác truyền thông để tiếp nhận phản hồi của người dân và doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số.

Bàn về vấn đề chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “ Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Bộ NN&PTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Chuyển đổi số cần được làm ngay nhưng phải từng bước và chắc chắn. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng./.

Trọng Bình