Theo Luật Bảo vệ Môi trường, định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ sẽ cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính (KNK) phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg; bao gồm 6 lĩnh vực và 2.166 cơ sở, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính mang lại nhiều giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính không phải là một quá trình đơn giản mà đòi hỏi sự đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), là đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
PV: Trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính, ông nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Kiểm kê khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm giúp Cơ quan có thẩm quyền xây dựng Cơ sở dữ liệu về “Lịch sử phát thải của Cơ sở” cũng như xác định “Định mức phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản phẩm của Cơ sở”, đây là dữ liệu quan trọng nhất để Nhà nước thực hiện việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các Cơ sở phát thải lớn.
Thời gian gần đây, đa số các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và trách nghiệm phải kiểm kê KNK để đáp ứng các nghĩa vụ báo cáo theo quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đã thuê các đơn vị tư vấn để tiến hành kiểm kê KNK, các doanh nghiệp khác chủ động cử cán bộ tham gia hội thảo, tập huấn, đào tạo về kiểm kê nhằm xây dựng năng lực, kiện toàn nhân sự để tự thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Có thể nói chưa lúc nào kiểm kê KNK lại sôi động như thời điểm này.
Ông nhận thấy, đâu là những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo lộ trình đã được quy định?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Khi bắt tay vào công tác kiểm kê KNK doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn thách thức cụ thể:
Thứ nhất, thiếu năng lực kỹ thuật: Việc kiểm kê KNK đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu về các loại KNK, nguồn phát thải, phạm vi phát thải, phương pháp tính toán, phương pháp đo lường và thu thập dữ liệu… Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc xác định đúng các nguồn phát thải, phân loại và tính toán chúng, đặc biệt là cho các nguồn phát thải phức tạp như từ xử lý nước thải, chất thải, hay các quá trình công nghiệp… Để khắc phục cần rất nhiều các khoá đào tạo, hướng dẫn tới tiểu lĩnh vực cụ thể.
Thứ hai, thiếu dữ liệu: Nguyên nhân do doa nghiệp thiếu các thiết bị đo lường, phân tích. Doanh nghiệp cũng chưa có hệ thống thu thập dữ liệu cho kiểm kê KNK, việc thu thập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu chưa được thực hiện hoặc chưa đầy đủ.
Thứ ba, thiếu nguồn lực: Thực tế, đa số các doanh nghiệp chưa có nhân sự chuyên sâu về kiểm kê khí nhà kính. Thông thường, nhiệm vụ này sẽ được giao cho nhân viên phòng môi trường, an toàn lao động kiêm nhiệm. Điều này dẫn đến việc thiếu chuyên môn sâu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác của kết quả kiểm kê;. Về nguồn lực tài chính để thực hiện kiểm kê khí nhà kính (GHG) là quá trình ghi lại và đo lường lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của doanh nghiệp cần công nghệ, thiết bị đo lường, phần mềm, hệ thống quản lý dữ liệu, nhân sự trong công ty và thậm chí là sự tham gia của bên thứ ba. Chi phí này có thể là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Cùng với đó quy định về thời gian, doanh nghiệp phải nộp báo cáo kiểm kê trước 31/03 năm kế tiếp điều này tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khi họ còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý Khí nhà kính
Thứ 4, thiếu quy định, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, công cụ hỗ trợ: Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Công Thương, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành thông tư hướng dẫn về kiểm kê KNK. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là, thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, chăn nuôi…Các hướng dẫn hiện tại cũng được doanh nghiệp đánh giá là tương đối phức tạp, hoặc khá chung chung chưa cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp theo các từng lĩnh vực.
Vậy, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính như thế nào sau khi tiến hành kiểm kê, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp sẽ thực kiểm kê khí nhà kính và sau đó xây dựng lộ trình kiểm kê khí nhà kính cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Hiện nay, các thông tin về kiểm kê khí nhà kính, các hướng dẫn kỹ thuật thì do các bộ, ngành cung cấp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ tham khảo các hướng dẫn đó, sẽ khó áp dụng để tự thực hiện kiểm kê cho doanh nghiệp của mình.
Vì vậy, tôi cho rằng, doanh nghiệp hợp tác với các đơn vị tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm về kiểm kê khí nhà kính có thể giúp doanh nghiệp xác định đúng các công cụ và phương pháp đo lường phù hợp với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp từ đó xây dựng chiến lược tín chỉ carbon hiệu quả. Trên cơ sở kết quả kiểm kê KNK, doanh nghiệp sẽ xác định được mức phát thải, cường độ phát thải KNK của doanh nghiệp và có thể so sánh với Định mức phát thải khí nhà kính của lĩnh vực do nhà nước công bố từ đó biết được doanh nghiệp đang nằm ở đâu trên bản đồ phát thải của Việt Nam.
Dựa vào kết quả kiểm kê, doanh nghiệp có thể nhận diện các nguồn phát thải lớn trong cơ cấu phát thải của doanh nghiệp ví dụ phát thải từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, tiêu thụ điện, xử lý nước thải công nghiệp…, các cơ hội giảm phát thải, ví dụ như việc cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo..., đồng thời nhận diện các thách thức trong việc giảm phát thải, chẳng hạn như chi phí chuyển đổi công nghệ, thay thế nhiên liệu, nguyên liệu... Từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải cụ thể và có thể đo lường.
Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình giảm phát thải, lựa chọn và thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK ngắn hạn và dài hạn hợp lý theo chi phí biên giảm phát thải của từng biện pháp và nguồn lực của doanh nghiệp. Cần tích hợp chiến lược giảm phát thải vào chiến lược kinh doanh tổng thể, tăng cường hợp tác với các bên liên quan, theo dõi và báo cáo tiến độ chặt chẽ, tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ - nhân viên.
Việc xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính không phải là một quá trình đơn giản mà đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và cam kết từ cả lãnh đạo và nhân viên. Tuy nhiên, thông qua việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hợp lý và hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn có thể giảm chi phí, nâng cao uy tín và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!