Đô thị carbon thấp bắt nhịp với lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Với những cam kết của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu, các mô hình đô thị carbon thấp trên thế giới cũng dần phát triển hơn. Hiện các đô thị tại Việt Nam đang có những bước chuyển theo lộ trình carbon thấp hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
do-thi-car-bon-thap-05-1710125756.jpg
Phát triển loại hình phương tiện giao thông công cộng giảm phát thải góp phần xây dựng đô thị xanh. (Trong ảnh: Mô hình xe buýt thân thiện ở Thủ đô Hà Nội). (Ảnh minh họa)

Đô thị tăng trưởng xanh từ tầm nhìn chính sách

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 179/QĐ-TTg ngày 16/2/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu chung đến năm 2030 đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý, đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, hội nhập, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia những hoạt động đầu tư xây dựng; thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành xây dựng.

Nâng cao năng lực ngành xây dựng để đảm nhận được toàn bộ các khâu quản lý, thiết kế, mua sắm, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp, quy mô lớn và từng bước cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới. Ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng công trình.

Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cơ bản hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý; xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

do-thi-car-bon-thap-03-1710125817.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững... (Ảnh minh họa)

Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng; xây dựng nền kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa. Phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Xây dựng các đô thị carbon thấp giảm phát thải khí nhà kính, đô thị theo hướng đô thị xanh, có bản sắc, có tính tiên phong và dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.

Cùng với đó là góp phần hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của các đô thị trung tâm cả nước và các vùng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực phục vụ. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn. Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản theo cơ chế thị trường. Giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Đến năm 2045, ngành xây dựng bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài. Phát triển ngành vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển đô thị. Phát triển nhà ở đáp ứng đủ theo nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân; thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, minh bạch.

Lộ trình đô thị carbon thấp tại Việt Nam

Với những cam kết của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu, các mô hình đô thị carbon thấp trên thế giới cũng dần phát triển hơn. Tính đến năm 2022, đã có khoảng hơn 1000 đô thị trên toàn cầu thực hiện các bước chuyển đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số siêu đô thị tiêu biểu như: Rio de Janeiro, New York, Paris, Tokyo, Oslo, Mexico City, Melbourne, London, Milan, Cape Town, Buenos Aires, Caracas, Copenhagen, Vancouver và Hong Kong.

Bên cạnh đó, hàng trăm đô thị của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng hướng đến mô hình các đô thị carbon thấp.

Tại Việt Nam, một số thành phố đã quan tâm đến việc phát triển mô hình đô thị carbon thấp như Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, TP HCM, Nam Định, Huế, Cao Lãnh, Sa Pa.

Các thành phố đã xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, đánh giá mức độ rủi ro của biến đổi khí hậu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện đi kèm một số chương trình, dự án ưu tiên qua đó nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân đô thị.

do-thi-car-bon-thap-04-1710125852.jpg
Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng đô thị di sản Hội An đạt chuẩn đô thị thông minh vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, trên địa bàn TPHCM có 140 cơ sở lớn trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg.

Để triển khai hoạt động này, từ đầu năm 2022, thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập Nhóm công tác chung giữa thành phố và WB về sự phát triển toàn diện và bền vững. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp.

Kế hoạch đô thị carbon thấp ở TPHCM bao gồm các hoạt động, khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực phát thải carbon thấp, chương trình đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành trung ương và tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ WB và các đối tác để triển khai kế hoạch carbon thấp. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích, phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể.

Tại Quảng Nam, quá trình lập quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị động lực của tỉnh đều đã có nghiên cứu bước đầu ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các dự báo kịch bản tần suất ngập lụt, đánh giá thực trạng phát triển đô thị dựa trên bộ chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh làm cơ sở đề xuất, thúc đẩy thực hiện các chính sách, hoạt động xây dựng đô thị.

Quảng Nam đã nghiên cứu, tiếp cận việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh cho đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ thông qua dự án hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Quảng Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng đô thị di sản Hội An đạt chuẩn đô thị thông minh vào năm 2030. Ngành giao thông của tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Ông Marc Forni, chuyên gia WB cho biết, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TPHCM. Năm 2018, TPHCM phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 25% tổng lượng phát thải của cả nước, trong đó 93,6% đến từ ngành năng lượng. Năm 2022, lượng phát thải vượt mức 60 triệu tấn CO2.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững. Do đó, cần phục hồi tính cạnh tranh của TPHCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp. Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Trọng Bình