Trải qua 120 năm lịch sử, Buôn Ma Thuột có một vai trò hết sức đặc biệt trong sự phát triển chung của Tây Nguyên. Trong hồi ký “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng”, cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã khẳng định: “Buôn Ma Thuột là một địa bàn đặc biệt, có tầm ảnh hưởng rộng khắp cả vùng Trung - Nam Bộ Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.”. Điều đó cũng giữ nguyên giá trị khi Buôn Ma Thuột bước vào thời kỳ xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ những công trình ban đầu được xây dựng chủ yếu bằng sức người sau ngày thống nhất, đến nay, Buôn Ma Thuột đã có những đổi thay vượt bậc với hàng loạt công trình trọng điểm mang tầm vóc khu vực và quốc gia. Từ hệ thống giao thông, cấp thoát nước, mạng lưới viễn thông, đến công viên tạo mảng xanh đô thị, quảng trường và nhiều thiết chế văn hóa khác trong lòng thành phố.
Hiện nay, Buôn Ma Thuột sở hữu diện tích tự nhiên hơn 37.700 ha, có dân số trên 380.000 người với kinh tế chủ lực là ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm, cao gần gấp đôi so với bình quân toàn tỉnh. Bên cạnh đó, quy mô đô thị không ngừng mở rộng. Các mặt giáo dục, y tế, văn hóa được thành phố quan tâm đầu tư. Buôn Ma Thuột đổi mới kéo theo sự thay đổi rõ nét về kinh tế và chất lượng đời sống của người dân từng ngày.
Đến nay, trải qua 120 năm lịch sử, Buôn Ma Thuột đã ghi tên mình vào mốc son chói lọi trong lịch sử của đất nước. Từ trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương thời kỳ hội nhập - Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung bao giờ cũng được coi là vùng đất có tính chất “bản lề” cho mọi động lực thay đổi và phát triển.
Sau gần nửa thế kỷ, Buôn Ma Thuột đã đã vươn lên trở thành một đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, góp mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng một cách toàn diện và sâu sắc. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, từ thời thuộc Pháp, kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thống nhất 2 miền, vùng đất này luôn gánh vác và tiên phong trong những sứ mệnh đặc biệt.
Buôn Ma Thuột ngày nay đang nỗ lực xây dựng để trở thành Đô thị xanh - sinh thái - thông minh - bản sắc, phấn đấu là Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Đó là mục tiêu chung của của người dân thành phố, được hiện thực hóa bởi chủ trương của Đảng, các quyết sách của Nhà nước và sự đồng lòng, đoàn kết lớn lao của 40 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.
Tại Kết luận số 67, năm 2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Qua 5 năm, thành phố đã nhanh chóng áp dụng và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Đồng thời, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; thu hút đầu tư; tuyển chọn và thu hút nhân tài,… tăng tốc cho sự phát triển chung của vùng đất này.
Những năm gần đây, Buôn Ma Thuột được các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh thành trên cả nước quan tâm, đầu tư, mở ra giai đoạn phát triển mới, trở thành vùng kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên và cả nước. Điều đó được xem như sức mạnh tiềm tàng để giúp đô thị miền núi này phát triển xứng tầm với vị thế chiến lược của mình trong hiện tại và tương lai./.