Điện mặt trời mái nhà: Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện

Thường trực Chính phủ đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện mặt trời mái nhà.
dien-mat-troi-ap-mai-nguoi-dan-co-the-ban-2-1715218606.jpg
Thường trực Chính phủ kết luận điện mặt trời má nhà tự sản, tự tiêu khuyến khích bán có điều kiện. Ảnh minh họa.

Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ 

Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.

Thông báo nêu rõ việc xây dựng các nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các cơ chế này cũng góp phần làm cho thị trường điện lực trở nên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.

Để xây dựng các nghị định này, từ năm 2022 đến nay, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các nghị định nêu trên, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, các bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu của Thường trực Chính phủ.

Thường trực Chính phủ lưu ý đối với Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn: trong quá trình xây dựng nghị định cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15/5/2024.

Đối với tiến độ xây dựng 2 nghị định: Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, đây là hai cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để hai Nghị định nêu trên đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Cụ thể, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn. Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào, giá bán trên nguyên tắc nào, nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…

Đối với Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách nhất là với giá và sản lượng…

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện hai Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Các chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

chuyen-gia-noi-gi-ve-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-1715220296.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới, ông đồng tình với Bộ Công Thương về quy định “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng”. Quy định đó bao hàm: “Ghi nhận” nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về “lợi và hại” của sản lượng điện này.

Đơn cử, mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính… Mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều. Giá trị ghi nhận này trước mắt có thể được Chính phủ cho phép hạch toán vào chi phí đầu tư cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, không được coi là lợi nhuận của bên cung cấp điện. Cần có những giải thích rõ ràng để tránh suy diễn, kích động đối với chính sách.

“Về “giá 0 đồng” là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng, vì vậy kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này (Ví dụ: Giai đoạn 3 năm 2024-2027)”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho rằng, Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng nên có quy định về chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho những đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà (ví dụ như vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc truyền tải điện khó khăn).

Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ (net-metering). Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20-30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3kWh được trừ 1kWh mua điện… Cần có tính toán cụ thể để xác định.

Điều thứ năm, với các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có bộ lưu trữ, cho phép bán vào hệ thống điện vào giờ cao điểm 4-7 giờ chiều và có thể giá cao hơn giá mua để khuyến khích lắp lưu trữ và hỗ trợ hệ thống.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nên có những bổ sung về giải pháp: tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được Quy hoạch điện VIII bảo hộ pháp lý.

TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: "Một điểm nữa, chúng ta phải thực hiện đa dạng hóa giá, gồm 2 yếu tố rất quan trọng: áp dụng sớm cơ chế giá 2 thành phần để những ông nửa ngày không phát điện có thể thu hồi vốn; nên có chính sách phát triển công cụ lưu trú điện, có cơ chế đặt hàng nhà nước hoặc những chính sách miễn hoàn toàn các loại thuế để phát triển những công cụ lưu trữ tích điện một cách tốt nhất để phục vụ ngành điện, dân sinh, quân đội, hướng đến dẫn đầu thế giới"./.

Theo Dự thảo Nghị định, điện mặt trời là điện được sản xuất từ các tấm quang điện theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng.

Điện mặt trời mái nhà là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tự sử dụng) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

 

Kim Ngọc