Cần cơ chế “thoáng” cho điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương vừa đưa dự thảo chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Theo đó, sản lượng điện dư thừa được phát vào hệ thống điện lưới, nhưng ghi nhận với giá 0 đồng và không được thanh toán.

dmt4-1713350675.jpg
Nhiều hộ dân chọn lắp điện năng lượng mặt trời.

Điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng

Bộ Công thương đề xuất hệ thống điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác thì sẽ được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, dự thảo được Bộ Công thương xây dựng đưa ra các chính sách như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông; khuyến khích đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.

Sở Công thương các tỉnh sẽ chấp thuận công suất lắp đặt cho từng tổ chức, cá nhân. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Các tổ chức, cá nhân lắp đặt ngoài việc tuân thủ các quy định chung, cần thực hiện thu gom, tháo dỡ và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc vận hành.

Dự thảo đưa ra chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời ở nhà dân, cơ quan, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tiêu thụ tại chỗ. Sản lượng điện dư thừa không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Điện mặt trời mái nhà được liên kết với lưới điện quốc gia nhưng sẽ không được ghi nhận sản lượng dư thừa phát trên lưới điện quốc gia và không được trả tiền. Dự thảo cũng cho phép thêm đối tượng được lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, nhà xưởng...để tiêu thụ tại chỗ.

Nhà nước khuyến khích lắp đặt điện mặt trời để tự sử dụng tại chỗ, nhằm giảm áp lực cho ngành điện. Nhưng công suất đến năm 2030 chỉ có 2.600 MW điện năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện 8. Nếu tổng công suất nguồn này vượt quá sẽ gây tác động lớn đến vận hành an toàn hệ thống, cơ cấu nguồn điện, đặc biệt làm quá tải hệ thống truyền tải.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), mục tiêu tới năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Với quy định này, nhiều hộ dân, doanh nghiệp từ bỏ ý định lắp đặt, vì chưa thực sự hiệu quả so với chi phí đầu tư.

Chưa đủ sức hấp dẫn người dân, doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, cơ chế này chưa công bằng trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo để Việt Nam phấn đấu đạt NetZero vào năm 2050. Bởi chi phí đầu tư điện mặt trời cũng còn rất cao. Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời có lưu trữ điện, chi phí đầu tư có thể gấp 3 lần so với điện mặt trời không có lưu trữ. Giá pin lưu trữ điện giá rất đắt, nhiều hộ gia, doanh nghiệp gặp nhiều khó khan đầu tư mới.

dmt1-1713350761.jpg
Điện năng lượng mặt trời được triển khai qui mô lớn.

Ông Trần Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Phát cho biết để lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B (TP.HCM), thuê các đơn vị đến khảo sát mái nhà xưởng và được đánh giá đáp ứng mọi tiêu chuẩn để lắp đặt. Doanh nghiệp dự kiến lắp đặt hệ thống có tổng công suất dưới 1MWp nhằm giảm được chi phí tiền điện, và có thể được cấp chứng chỉ xanh, phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, cơ chế phát triển điện mặt trời trên mái nhà như hiện tại, chưa tối ưu cho việc đầu tư. Sản lượng điện dư được mua lại 0 đồng, làm kéo dài thời gian thu hồi vốn. Đầu tư lưu trữ điện thì chi phí lại quá cao. "Việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm giá thành, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng tôi đang cân nhắc lại phương án đầu tư điện mặt trời. Do đó, chúng tôi rất mong cơ chế thoáng hơn để các doanh nghiệp có thể lắp đặt điện mặt trời trên mái", ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc GreenBlue, chuyên gia về năng lượng tái tạo nhận định: “Các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành như dệt may, giày da, gỗ, chế biến chế tạo...muốn lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, xưởng tăng cao để được cấp chứng chỉ xanh, đáp ứng nhiều thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp buộc phải có chứng chỉ xanh, dùng điện tái tạo, để có ưu thế giành được đơn hàng”.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn chưa có thuận lợi về mặt kinh tế, do chưa có cơ chế thoáng đối với điện mặt trời mái nhà. Bộ Công Thương có thể xem xét giá mua điện hợp lý thì sẽ khuyến khích điện mặt trời mái nhà, tự tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất. Việc mua điện mặt trời mái nhà có thể quy định sản lượng mua cho từng quy mô dự án, để tránh lãng phí cho doanh nghiệp.

dmt2-1713350891.jpg
Cần cơ chế thoáng hơn để người dân lắp điện năng lượng mặt trời.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng VN cho rằng hộ gia đình làm điện mặt trời áp mái, cho đấu nối 2 chiều, phát lên lưới cần hỗ trợ khoảng bằng 40 - 50% giá mua điện sinh hoạt để có thể hoàn vốn sớm hơn. Hiện lượng điện dư thừa bỏ hoang phí, mà người dân không trả đồng nào là không sòng phẳng.

Các doanh nghiệp, cá nhân lắp điện mặt trời góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, giúp doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, sạch nhằm thực hiện trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26. Các nước trên thế giới cũng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải để tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn. Do đó, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cần cơ chế thoáng để vận hành hệ thống điện./.

Lê Thuận