Đề án xây dựng“Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”

Hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào) đã thống nhất về Đề án xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) - Đensavan (Sê Pôn, Savanakhet, Lào) và chuẩn bị các bước để trình Chính phủ 02 nước.

Thành lập Tổ công tác 626 để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội đặc thù giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet

Theo đó, Quảng Trị và Savannakhet là những địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), xuất phát từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của tuyến đường 9 và khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo (Hướng Hóa – Quảng Trị) – Đensavan (Sepon – Savannakhet).

Hiện, trên tuyến biên giới Việt – Lào chỉ có duy nhất khu vực xung quanh cặp cửa khẩu Lao Bảo – Đensavan có hai Khu kinh tế của 2 nước đối xứng nhau đang được vận hành khá sôi động. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2020 đến nay các hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh Savannakhet, nhất là khu vực huyện Sepon nơi có Khu kinh tế Đensavan tiếp giáp với Khu kinh tế thượng mại đặc biệt Lao Bảo đang trở nên sôi động.

Bên cạnh đó, hàng hóa quá cảnh từ Cảng Đà Nẵng qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào và ngược lại tăng đột biến. Trong đó, năm 2020 có 620.000 lượt phương tiện với khối lượng hàng hóa giáo thương quá đây là 1,23 triệu tấn, trị giá 8,9 tỉ đô la Mỹ. Năm 2021, tổng khối lượng và giá trị hàng hóa quá cảnh tăng hơn 30% so với năm 2020. Từ ngày 3/12/2021 tuyến đường sắt Viên Chăn – Lào đến Côn Minh – Trung Quốc đi vào vận hành mở ra cơ hội hình thành hành lang giao thông Đà Nẵng – Lao Bảo – Viên Chăn – Côn Minh kết nối tiểu vùng sông Mêkong rộng lớn. Dự báo trong giai đoạn từ năm 2022 – 2030 các hoạt động đầu tư thương mại tại khu vực Lao Bảo – Đensavan sẽ trở nên sôi động hơn nhiều.

a1-1676547095.jpg
Cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

Xuất phát từ lợi thế như vậy, từ hơn 20 năm về trước Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được ra đời và được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, hình thành diện mạo của khu biên giới. Về phía Lào, năm 2002 Chính phủ Lào đã thành lập Khu thương mại Đensavan. Tại cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày 7/1/1997, hai bên đã thống nhất các nội dung như “Hoàn tất quy chế chợ đường biên và khu vực thương mại tự do Lao Bảo - Đensavan” và “Giao cho Chính phủ và Ủy ban hợp tác hai nước phối hợp nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho một số dự án… nhằm tạo môi trường pháp lý và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước”.

z3517654425667-627a65e073845a084d9a5b615e401211-1656083518-1676546213.jpg
Thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa 3 tỉnh 3 nước: Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) (Ảnh: Hội nghị Hợp tác Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và Truyền thông giữa 3 tỉnh tổ chức vào ngày 24/6/2022 tại TP. Đông Hà, Quảng Trị (Ảnh: Đoàn Thuận)

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ công tác 626 được thành lập để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội đặc thù nhằm xây dựng Đề án “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan”) cho biết, việc nghiên cứu xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới là cần thiết trong bối cảnh kết nối kinh tế xuyên biên giới, thúc đẩy hợp tác kinh tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng đang trở thành xu thế chung của các quốc gia trong khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 diễn ra vào tháng 12/2010 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), trong đó đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người, bao gồm nhiều dự án hợp tác xuyên biên giới. Trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam - Lào, mặt bằng tại khu vực hai bên cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan là thuận lợi nhất để hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, mặt khác hai nước đã thành lập 2 khu kinh tế nên việc thực hiện thí điểm về khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung sẽ thuận lợi. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để nghiên cứu, nhân rộng ra các địa phương khác của hai nước.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên bên cạnh những kết quả, mục tiêu đạt được còn có những hạn chế, bất cập; các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan chưa được như kỳ vọng.

7ff58fe3-cd0e-4390-8507-db5bf3f06048-1676546314.jpeg
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Quang Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đi thăm và làm việc chính thức tại các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak

Tại chuyến thăm và làm việc của Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị tại tỉnh Savannakhet (17 - 19/02/2022), lãnh đạo cấp cao 2 tỉnh đã thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ 2 nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”.

Nhằm đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện Đề án mang nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế và giao thương 2 nước (Việt Nam – Lào) nói chung và 2 tỉnh (Quảng Trị - Savannakhet) nói riêng, vào hồi đầu tháng 4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 626-QĐ/TU thành lập tổ công tác của tỉnh Quảng Trị phối hợp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - xã hội đặc thù (gọi tắt là Tổ công tác 626). Trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” đề xuất Chính phủ 2 nước cho thí điểm thực hiện mô hình này.

Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan được dựa trên mô hình “Hai nước hai khu, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách”.

Theo đó, hai bên cùng nghiên cứu, xây dựng một Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm), nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý Khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình. Tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn (ICD), khu công nghiệp...; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư...

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan được kỳ vọng sẽ tạo ra lan tỏa đến sự phát triển kinh tế của 2 nước Việt Nam – Lào

Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, khi đề xuất Chính phủ 2 nước cho thí điểm thực hiện mô hình “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan”, tỉnh Quảng Trị cũng đã nghiên cứu và đặt ra mục tiêu là: Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan trở thành khu vực có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội hai bên (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet), lan tỏa đến sự phát triển kinh tế của 2 nước Việt Nam - Lào.

Từng bước xây dựng khu vực Lao Bảo – Đensavan trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong, con đường tơ lụa kết nối Ấn Độ - ASEAN. Trong ngắn hạn, giai đoạn 2023 - 2030, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu 2 nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 1 khu công nghiệp có quy mô 100 - 200 ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, gia công; quy hoạch các địa điểm thuận lợi dọc tuyến QL9 trong phạm vị Khu thương mại biên giới Đensavan và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bãi, trung chuyển hàng hóa. Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan, để rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào.

5495a1983284f1daa895-1656084193-1676546491.jpg
Đại biểu nước CHDCND Lào phát biểu tại Hội nghị hợp tác Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và Truyền thông giữa 3 tỉnh Quảng Trị, Savannakhet (Lào), Mukdahan (Thái Lan) diễn ra hồi tháng 6/2022 tại Đông Hà, Quảng Trị (Ảnh: Đoàn Thuận)

Được biết, đầu tháng 8/2022, về phía Quảng Trị đã hoàn thành dự thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan. Đến giữa tháng 8/2022, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do ông Hồ Đại Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ công tác 626 làm trưởng đoàn và đơn vị tư vấn hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Liên danh Sakae Holding và Surbana Jurong khảo sát thực tế, làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở ngành 2 tỉnh Salavan và Savannakhet. Dự kiến gồm 7 bước làm việc khoa học và đúng quy trình, bao gồm tổng hợp ý kiến các tỉnh bạn và bộ, ngành liên quan của Việt Nam trước khi trình Chính phủ.

Ông Hồ Đại Nam cho biết, Tổ công tác 626 tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Tổ công tác 1626 tỉnh Savannakhet và Ban Quản lý Khu kinh tế đặc biệt tỉnh Savannakhet để xây dựng Đề án “Xây dựng Khu kinh thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan”.

z3991956175360-45c107e906b75601be52b639177a8e8c-1672128990-1676546843.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan (CHDCND Lào) ký Văn bản Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 (Ảnh: Đoàn Thuận)

Ngày 16/12/2022, tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan.

Tại buổi làm vệc này, ông Nguyễn Đăng Quang đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan, tầm quan trọng của việc xây dựng Khu kinh tế chung đối với sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet và củng cố quốc phòng - an ninh trên sườn phía Tây của Tổ quốc. Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan Thường trực Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào quan tâm đề xuất đưa nội dung xây dựng và triển khai Đề án vào các văn kiện ký kết giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam và Lào.

Cũng tại buổi làm việc, Hà Sỹ Đồng và Hồ Đại Nam (Tổ trưởng và Tổ phó tổ công tác 626) đã báo cáo những nội dung chính của dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan, đặc biệt là tính khả thi, tính hiệu quả của Đề án. Đề án đã được 2 tỉnh Quảng Trị và Savannakhet phối hợp nghiên cứu xây dựng, tỉnh Quảng Trị cũng đã làm việc một bước với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào – Cơ quan Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam. Lãnh đạo các vụ và viện chiến lược phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Đề án.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Lào đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Quảng Trị trong triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 6455/VPCP-QHQT ngày 14/9/2021 về phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan; đánh giá cao nội dung dự thảo Đề án, đề nghị tỉnh Quảng Trị nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc họp để bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Đồng thời cũng thống nhất với các đề nghị của tỉnh Quảng Trị, giao các cơ quan tham mưu của bộ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ đưa nội dung nghiên cứu thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan vào các văn kiện ký kết giữa Việt Nam và Lào trong thời gian tới làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Theo Đề án đã được 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet thống nhất, về phía Việt Nam, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, có diện tích 15.854 ha (gồm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh và các xã Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Về phía Lào, khu vực Khu thương mại biên giới Đensavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) có chiều dài 19 km dọc theo sông SêPôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 01 km, gồm 13 bản.

Đoàn Thuận