Quảng cáo #128

Dấu ấn tăng trưởng xanh tại Thanh Hóa từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Trước áp lực của biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tích cực đổi mới, mạnh dạn chuyển mình sang các phương thức canh tác hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.
co-cau-nong-nghiep-1-1731079083.jpg
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực của các quốc gia, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tại Thanh Hóa, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã không chỉ là một lựa chọn mà còn là một quyết định chiến lược để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, tạo ra những mô hình sản xuất bền vững.

Để có cái nhìn toàn diện về hành trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, những cơ hội và thách thức mà Thanh Hóa đã và đang đối mặt, cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xanh hóa nông nghiệp. Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh triển khai loạt bài: “Dấu ấn tăng trưởng xanh tại Thanh Hóa từ chuyển đổi cơ cấu Nông nghiệp”.

Bài 1: Cơ hội mới, thách thức lớn tạo bước ngoặt trong nông nghiệp

Nghị quyết 19-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hiệu quả, bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Tại Thanh Hóa, các mô hình nông nghiệp thông minh đã được triển khai, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và bảo vệ môi trường.

Cơ chế mới để nông nghiệp chuyển mình

Thanh Hóa, là một trong những địa phương với địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi và nguồn lao động dồi dào, là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn nhất cả nước. Trước đây, nền nông nghiệp xứ Thanh mang đậm nét đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào sức người và súc vật, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Cây trồng chủ lực chủ yếu là cây lúa, chiếm phần lớn diện tích canh tác, tuy nhiên, năng suất thấp, chất lượng, sản phẩm không ổn định.

Ngoài ra, phương thức canh tác lạc hậu, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật khiến nông sản khó có thể cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn, cơ sở hạ tầng yếu kém và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt cũng là những thách thức lớn mà nông dân Thanh Hóa phải đối mặt. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

co-cau-nong-nghiep-2-1731079393.jpg
Mô hình trồng rau sạch của HTX Hoằng Thành, Hoằng Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, việc lạm dụng quá mức phân bón hóa học và thuốc BVTV đã làm suy thoái tài nguyên đất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường đất. Một số loại phân bón có tồn dư axit, làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất, dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn, ngập úng vào mùa mưa và khô cằn, nứt nẻ vào mùa khô.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong đó, việc chuyển đổi 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả và rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật và thị trường, nông dân đã tăng thu nhập gấp đôi so với trước đây, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-TU, tập trung vào việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như cấp vốn, chuyển giao công nghệ, nhằm khuyến khích người dân tham gia. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã tích tụ được khoảng 56.000ha đất nông nghiệp, tăng đáng kể so với trước đây. Điều này cho thấy sự nỗ lực của cả chính quyền và người dân trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả.

Song song với đó, việc áp dụng các máy móc hiện đại, kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất cũng từng bước được triển khai rộng rãi. Đồng thời, việc liên kết sản xuất theo hướng khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đã giúp nông dân ổn định đầu ra, tăng thu nhập và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Điển hình như tại huyện Hoằng Hóa, việc tích tụ đất đai đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện đã tập trung quy hoạch 1.335 ha đất nông nghiệp thành các vùng sản xuất lớn. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống tưới tiêu tự động, nhà lưới, và cảm biến, năng suất và chất lượng nông sản đã được nâng cao đáng kể. Nhờ đó, các hợp tác xã tại Hoằng Hóa đã thành lập được nhiều trang trại trồng rau sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa huyện trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông nghiệp hiện đại của tỉnh.

Ghi nhận thực tế tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành cho thấy. Trước đây, đất đai ở đây bị bỏ hoang nhiều do hiệu quả sản xuất thấp. Tuy nhiên, sau khi tích tụ đất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau sạch và ngô ngọt, HTX đã đạt được hiệu quả kinh tế cao. Ông Lương Quốc Đạt, Giám đốc HTX Hoằng Thành cho biết: "Nhờ áp dụng công nghệ mới và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mỗi sào đất của hợp tác xã có thể thu về khoảng 6 triệu đồng/tháng, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con”.

Thay đổi tư duy nông nghiệp

Nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương với các chính sách hỗ trợ về thông tin, đào tạo, kỹ thuật và hạ tầng, cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm, nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa nhà nông và thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.

co-cau-nong-nghiep-3-1731079530.jpg
Tại huyện Hoằng Hóa, hiện nay đã hình thành liên kết sản xuất khoai tây quy mô lớn với công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu chia sẻ: "Quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương không hề dễ dàng, bà con gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, kỹ thuật mới. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và doanh nghiệp, chúng tôi đã vượt qua những thách thức đó. Hiện nay, xã đã thành công trong việc liên kết với Công ty Xây lắp Xuân Minh để phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như khoai tây và cà rốt. Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chúng tôi đã không chỉ tiết kiệm được rất nhiều sức lao động mà còn nâng cao đáng kể năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.

Cũng theo ông Hạnh, thành công của những cánh đồng mẫu lớn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn giúp thay đổi tâm lý e dè, khơi dậy tinh thần làm giàu, khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.

Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã đem lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, thủ tục vay vốn phức tạp, cùng với lãi suất cao đã gây áp lực lớn lên người nông dân. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin, kỹ thuật mới còn hạn chế, đặc biệt đối với nông dân lớn tuổi. Thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều bất ổn, giá cả biến động mạnh, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Ngoài ra, việc tích tụ đất đai, phân tán sở hữu và hạ tầng nông thôn xuống cấp cũng là những trở ngại lớn. Để giải quyết những khó khăn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tập trung vào các giải pháp như: hỗ trợ vốn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng hạ tầng, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, thị trường. Đồng thời, các chính sách về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được đặc biệt quan tâm./.

(Còn tiếp Bài 2: Nỗ lực vượt khó khăn để nông nghiệp cất cánh)

Hà Khải