Ứng dụng công nghệ mới và thúc đẩy liên kết tạo nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp

Hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong cải tiến về giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

tai-co-cau-nong-nghiep-3-1724893225.jpg
Diễn đàn phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Tăng cường ứng dụng công nghệ mới

Khẳng định phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tham luận tập trung thảo luận những giải pháp về nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong cải tiến về giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, một số đại biểu đề xuất, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Nhà nước, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, coi phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là chiến lược lâu dài để bảo đảm sự bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam.

“Liên kết với nông dân đem lại nhiều thuận lợi trong ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm vẫn là bài toán lớn không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn là thách thức đối với các hợp tác xã quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay”, bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Bản Việt, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

tai-co-cau-nong-nghiep-2-1724893263.jpg
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Nhấn mạnh đến việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị từ người nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số HTX. Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục được mở rộng với Việt Nam.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng mặt hạn chế vẫn có, những thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt là mối liên kết giữa các liên kết trong cùng một khâu cũng như giữa các khâu với nhau trong chuỗi giá trị còn khá lỏng lẻo.

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản, bền vững

Chính vì thế, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản, bền vững và hiệu quả không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Trong tương lai, các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nhất là nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc xanh hoá, nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, do đó các chỉ thể trong chuỗi này phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới điều chỉnh hoạt động cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

“Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp phải đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, Viện nghiên cứu, chính sách. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt không thiếu, vấn đề còn lại chính là năng lực, và việc tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi”, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết.

tai-co-cau-nong-nghiep-4-1724893213.jpg
Hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới. (Ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; bảo vệ môi trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

tai-co-cau-nong-nghiep-1-1724893323.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá trong quản lý sản xuất./.

Bình Châu