Đắk Nông và bài toán nâng cao chất lượng nguồn lao động

Nguồn lực và chất lượng lao động có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết và triển khai các mục tiêu về kinh tế - xã hội của Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đó là nhận định của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Nông. Theo đó, việc phát triển số lượng, chất lượng lao động cần dựa trên cơ sở các mục tiêu và lĩnh vực cụ thể. Chủ trương của Sở là “Không để rơi vào tình trạng thừa - thiếu hoặc cung vượt cầu” gây mất cân đối và lãng phí nguồn lực lao động tại địa phương. Vì vậy, tỉnh liên tục rà soát, điều chỉnh và xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển nguồn lao động, … theo nhu cầu thực tế cũng như khả năng đào tạo nhân lực của mình.

nguon-luc-va-chat-luong-lao-dong-co-vai-tro-quan-trong-trong-viec-thuc-hien-cac-muc-tieu-kinh-te-xa-hoi-cua-dak-nong-1710322923.jpg
Nguồn lực và chất lượng lao động có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đắk Nông.

Sau gần 20 năm thành lập, quy mô dân số Đắk Nông đã lên tới hơn 710.000 người. Cơ cấu kinh tế chủ yếu của tỉnh hiện nay vẫn đang là sản xuất nông nghiệp. Do đó, số việc làm và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tổng số việc làm trong các ngành kinh tế của Đắk Nông hiện nay là 380.000 người. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 81,4%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 3,77% và dịch vụ chiếm 14,83%.

Trong những năm qua, Đắk Nông tập trung phát triển nguồn lao động, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Tỉnh đã tỉnh đầu tư và đưa vào hoạt động Trường Cao đẳng Cộng đồng, tái cơ cấu hệ thống đào đào tạo nghề, đào tạo trình độ trung cấp. Ngoài ra, tỉnh còn phát động phong trào tự đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động tại các doanh nghiệp - cơ sở sản xuất theo hướng bảo đảm theo tiêu chuẩn việc làm của thị trường.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đắk Nông ngày càng tăng. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm đều. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

sinh-vien-thuc-hanh-nghe-tai-truong-cao-dang-cong-dong-dak-nong-1710322900.jpg
Sinh viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Đồng thời, chất lượng lao động có xu hướng tăng theo từng năm, chủ yếu nằm ở nhóm lao động có trình độ văn hóa từ THCS trở lên và người được đào tạo nghề. Lực lượng lao động lành nghề, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông lâm nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy, sẵn sàng nắm bắt cơ hội để học hỏi ứng dụng các mô hình nông nghiệp, nông thôn mới.

Số lượng người lao động có nhu cầu việc làm của tỉnh là khoảng 18.000 lượt/năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 50% trong số đó được giải quyết nhu cầu tìm được việc làm tại địa phương. Phần đông đi làm việc ở các tỉnh lân cận hoặc xa hơn, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Miền đông Nam Bộ. Đây là thách thức lớn của tỉnh trong việc giữ chân lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.

nhu-cau-nhan-luc-cua-dak-nong-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2050-theo-quy-hoach-cua-tinh-1710322957.jpg
Nhu cầu nhân lực của Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch của tỉnh.

Theo quy hoạch, đến năm 2025 Đắk Nông đặt mục tiêu tỉ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm trên 58% dân số, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%. Cơ cấu lao động được phân bổ theo các ngành nghề kinh tế như sau: Nông nghiệp chiếm 51,7%; Công nghiệp chiếm 17,2% và Thương mại dịch vụ chiếm 30,1%. Đồng thời, phấn đấu năng suất lao động của tỉnh đạt 70,58 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%. Cơ cấu lao động theo các ngành nghề kinh tế: nông nghiệp giảm còn 45,6%; công nghiệp tăng lên 21,5% và thương mại dịch vụ tăng lên 32,9%. Năng suất lao động đạt 106,39 triệu đồng/người/năm.

Theo quy hoạch đến năm 2030 - tầm nhìn 2050, nhu cầu nguồn nhân lực của Đắk Nông trong 4 ngành kinh tế mũi nhọn khá lớn. Cụ thể: Lĩnh vực nông nghiệp cần khoảng 60.000 lao động thường niên, khoảng 120.000 lượt lao động thời vụ và; 3.000 lao động có trình độ cao; Lĩnh vực công nghiệp: hơn 6.500 lao động cho các dự án đang triển khai; Lĩnh vực Năng lượng tái tạo: 2.100 – 2.500 lao động và Lĩnh vực du lịch khoảng 2.000-2.300 lao động./.

Hồng Giang