Bà Đàm Thị Tình, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 2.000 cây cà phê đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Những năm trước bà Tình thường sử dụng phân bón hoá học để bón cho cây trồng; dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Thế nhưng, những năm gần đây, bà tham gia HTX và được tập huấn, tiếp cận với các phương thức sản xuất nông nghiệp tiến bộ, an toàn. Từ đó, bà đã áp dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho vườn cà phê và các loại cây trồng khác.
Bà Tình cho biết, từ kinh nghiệm làm nông nghiệp và kiến thức từ các lớp tập huấn, bà đã dần bỏ thói quen chăm sóc cây trồng theo cảm tính. Bà không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Thay vào đó, bà ủ đạm cá, dùng xác bã đậu nành, phân tằm... làm phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, bà trồng các cây dược liệu trong vườn cà phê để tạo nguồn thu nhập và xua đuổi côn trùng gây hại. Bước đầu, việc thay đổi cách canh tác này khiến năng suất cây trồng có giảm. Nhưng đến nay, vườn cà phê của bà đã phát triển khỏe manh, duy trì năng suất bình quân khoảng 6 tấn cà phê nhân mỗi năm. Bà cũng đã kết nối với HTX đã tiêu thụ sản phẩm cà phê nhân với mức giá cao hơn giá thị trường.
Bà Tình đánh giá, việc áp dụng sản xuất an toàn giúp môi trường không độc hại. Về giá bán hiện nay, sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp an toàn cao hơn giá thị trường và đang là sự lựa chọn của nhiều khách hàng. "Đây là hướng phát triển bền vững và sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận", bà Tình cho biết.
Anh Đỗ Thanh Ân, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) là nông dân tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn. Cách làm nông nghiệp của anh Ân là tạo ra mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Anh Ân trồng cỏ voi trong vườn cà phê và hồ tiêu để làm thức ăn cho bò. Sau đó, anh dùng phân bò kết hợp với phân gà để làm thức ăn cho trùn quế. Phân trùn quế anh bón cho cây trồng. Còn trùn quế làm thức ăn cho gà.
Anh Ân tận dụng những phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, hồ tiêu, bã thực vật... ủ với phân vi sinh để bón cho 3,5 ha cà phê, tiêu và cây ăn trái trong vườn. Chính vòng tuần hoàn khép kín này đã giúp anh tiết kiệm được chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng khi bán ra thị trường.
Anh Ân cho biết, điểm mấu chốt để xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn chính là việc khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch. "Qua đó, tôi tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và an toàn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp", anh Ân cho biết.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 28.000 ha cây trồng có chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ, GlobalGAP, Organic… Trong đó, sản xuất hữu cơ đạt 700 ha. Sản lượng các phẩm trồng trọt được chứng nhận đạt 2.525 tấn. Lãnh đạo Sở NN-PTN cho biết, những năm qua, thông qua các đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, sinh học của tỉnh đã tăng khả năng cạnh tranh và vươn xa trên thị trường./.