Chuyển đổi số trong nông nghiệp để năng suất bứt phá vươn xa

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định phải thực hiện chuyển đổi số và coi đây là giải pháp chiến lược, quan trọng, tạo động lực mới để phát triển bền vững.
8-2-1650918313927-1654649973.jpg
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh chia sẻ, đơn vị đã xây dựng nhiều nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn, CLB Na QND1... nhằm kết nối, trao đổi một cách nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm qua việc gửi hình ảnh, video làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.

Tiếp đó, Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh Youtube có tên gọi “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trong nông nghiệp. Đây chính là nền tảng ban đầu trong việc lưu trữ dữ liệu trên Internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Qua đó, từng bước hoàn thiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách tối ưu.

Theo ông Dũng, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Để tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin truyền thông ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền và là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa ra một số giải pháp.

“Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả tích cực”, ông Dũng thổ lộ.

Ông Dũng cho rằng, cùng với các đề án chuyển đổi số do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thực hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, thông qua phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.

Cụ thể, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Cũng theo lời ông Dũng, với những giải pháp tích cực trong triển khai chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn.

Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đang được mở rộng đối với cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng trồng cây chủ lực của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Quảng Ninh. Hiện nay, sản phẩm của Quảng Ninh đã được đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm của TP. Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN-PTNT.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số... Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp”, ông Dũng thông tin thêm./.

Quảng Ninh hiện có hơn 1 nghìn ha trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45 ha trồng trọt hữu cơ; 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả và năm cơ sở đóng gói quả tươi, 9 công ty xuất khẩu thủy sản đã được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.