Chuyển đổi số có vị trí quan trọng là trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, khái niệm chuyển đổi đã trở nên phổ biến, lan tỏa trong toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, chú trọng phát triển khoa học và công nghệ là nền tảng cốt lõi trong chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn được cách tiếp cận của mình. Dù là từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chuyển đổi số được đánh giá có vai trò quan trọng và mang lại rất nhiều lợi ích. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp các tổ chức doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số, bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
TS Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ở Việt Nam cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội về chuyển đổi nền kinh tế số, sản xuất ứng dụng dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, tài chính - ngân hàng, logistics thông minh, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm các chi phí về quản lý, sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp”.
Trong khi đó, đối với con người bình thường, Chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, Chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào công việc. Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Theo các chuyên gia, một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ có 2 nội dung chính: Công nghệ gì và chuyển đổi gì? Công nghệ 4.0, nhất là công nghệ số ngày càng được ứng dụng rộng rãi, càng nhiều người dùng thì càng rẻ. Công nghệ số thì xử lý dữ liệu, dữ liệu nhiều thì mới thông minh, người dùng quyết định sự thông minh của hệ thống chứ không phải công nghệ gốc. Tức là người dùng đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo ra công nghệ gốc. Công nghệ gốc không quan trọng và quyết định như là ở các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1,2,3. Nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 lại yêu cầu phải thay đổi mô hình vận hành, thay đổi thể chế.
Điển hình, Chuyển đổi số đặt ra các vấn đề như: Có thể cho phép ngân hàng số không người phục vụ, đại học số không giáo viên không?... Vậy nên, ở một góc nhìn mới Chuyển đổi số còn là câu chuyện dám hay không dám?
“Chuyển đổi số là cơ hội lớn cho Việt Nam, đó là sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng tổ chức, đến từng doanh nghiệp, đến người người dân và đến từ mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì cần phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy.”, TS Phạm Bình An, cho biết thêm.