Chuyển đổi số để nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng sản xuất

Chuyển đổi số đã không còn cụm là từ quá xa lạ đối với các doanh nghiệp hiện nay. Thậm chí, "chuyển đổi số" lại càng được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong thời điểm, tất cả các doanh nghiệp đều đang gồng mình phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Công ty Phần mềm Epicor - đơn vị chuyên cung cấp phần mềm doanh nghiệp toàn cầu, tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: "Vượt qua đại dịch: Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng trong sản xuất". Sự kiện nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất nắm bắt phương pháp chuyển đổi số để tăng trưởng và phục hồi sản xuất sau đại dịch, đón đầu làn sóng phát triển mới.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp cho biết, theo khảo sát của VCCI, ở thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn chuyển đổi số nhưng phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức khác nhau bao gồm cả việc xây dựng chiến lược phát triển, chọn giải pháp số tối ưu hoặc tìm kiếm được đối tác tin cậy.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đa số doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực và ngành kinh tế, khiến cho họ giảm sút không chỉ về lợi nhuận và doanh thu, mà còn bị thu hẹp phạm vi và quy hô hoạt động. Có 53,6% doanh nghiệp cho biết, năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế về hoạt động khi phải làm việc tại nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội; 40,9% doanh nghiệp bày tỏ khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp; 37,5% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn về vận chuyển hay sự đứt gãy chuỗi cung ứng; 27,1% doanh nghiệp bị chậm trễ trong việc bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật do các biện pháp hạn chế di chuyển...

Thêm vào đó, nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số cũng chưa có nhiều chuyển biến khi chỉ có 9,4% doanh nghiệp cho rằng chỉ có doanh nghiệp quy mô vừa và lớn mới cần chuyển đổi số; hơn 17% doanh nghiệp tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến chuyển đổi số; 21,9% doanh nghiệp tin rằng, doanh nghiệp nhỏ ít chịu tác động từ chuyển đổi số; 23,8% doanh nghiệp biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện và hơn 36% doanh nghiệp đã nghe qua về chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu.

Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lại tỏ rõ nhu cầu lớn, mong muốn ứng dụng các sản phẩm, công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh của mình, bà Thủy cho biết thêm.

Có hơn 54,5% doanh nghiệp cần ứng dụng số trong công tác quản trị nội bộ, 48% cần trong công tác bán hàng, hơn 35% cần cho các nhu cầu về sản xuất và gần 30% cần cho việc tối ưu hóa các quy trình hoạt động...Từ đó cho thấy, chuyển đổi số thực sự là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

"Muốn đẩy nhanh tiến trình này, các doanh nghiệp cần sự chủ động và nỗ lực hơn nữa. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tạo dựng môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường chuyển đối số để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới", bà Thủy đề nghị.

Khuyến nghị về việc doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty công nghệ Rochdale Spears cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng; đồng thời, tối ưu hóa chi phí sản xuất thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình công nghệ.

Công nghệ số còn giúp doanh nghiệp giảm bán thành phẩm, giảm nguyên liệu và hàng tồn kho; giúp mô phỏng 3D cho các quy trình tự động hóa máy móc, thiết bị. Nhờ có chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể tạo nên tư duy an toàn trong vận hành, thúc đẩy hoạt động đào tạo và phát triển, có chính sách giữ gìn và thu hút nhân tài; làm giàu thêm văn hóa kinh doanh - giá trị cốt lõi của doanh nghiệp... Vì thế việc lựa chọn cho được một giải pháp, một phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) phù hợp là hết sức quan trọng.

Theo ông Giang, giải pháp ấy cần sự phù hợp với các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, phù hợp với tương lai phát triển của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp lập kế hoạch ngân sách hiệu quả, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các đối tác hoặc tự triển khai. Với những giải pháp công nghệ hiện có, việc chuyển đổi số bằng cách tự thân doanh nghiệp hoặc nhờ vào sự hỗ trợ, can thiệp của các công ty công nghệ là điều không còn khó khăn và nhiều thách thức như trước đây./.