Chinh phục cao nguyên Di Linh huyền bí Bài 3: Ngủ đêm trên đỉnh núi thiêng, nghe truyền thuyết về người K’Ho

Sau khi nghỉ chân bên giếng nước thần, chúng tôi lên gần đỉnh núi tìm đất trống làm bãi trại ngủ qua đêm. Lúc đó khoáng 5-6 giờ chiều, trời đang quang đãng, bỗng nhiên sương mù bao phủ dày đặc cả khu rừng tựa như “băng tuyết” phủ trắng ập đến. Khung cảnh vừa rùng rờn, vừa sợ hãi nhưng lại rất lãng đãng, mơ màng.
suong-1715244415.jpg
Sương tuyết bao phủ khi chúng tôi vừa đặt chân đến gần đỉnh núi thiêng

Một lúc sau, băng tuyết, sương mù bắt đầu tan, chúng tôi chia nhau đi lấy nước nấu cơm, nướng thức ăn, chế biến những món ăn đặc sản trên đỉnh núi Brăh Yàng. Đêm đến, chúng tôi bắt đầu ngồi bên đống lửa, vừa nấu nướng, đun nước ăn uống, vừa sưởi ấm và chiếu sáng. Ngọn lửa thiêng bùng cháy của những người con của dân làng K’Ho đi rừng, đi rẫy như được các vị thần chứng giám, mang quyền năng thần bí, huyền ảo, kết nối giữa xưa và nay, giữa thực tế với cội nguồn, dòng tộc.

Vùng đất của những huyền thoại

Tây Nguyên được xem là vùng đất huyền thoại, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá. Ở trên núi, tuy không cồng chiêng, rượu cần, nhà dài…nhưng vẫn có những người con của buôn làng K’Ho lưu giữ những câu chuyện sử thi, tìm lại những dấu chân của cha ông từng khai phá núi rừng. Sau khi ngọn lửa rừng bùng cháy, rồi đượm dần trong đống than hồng, đó là lúc con người và đất trời hoà quyện vào nhau với truyền thuyết huyền ảo giữa núi rừng Tây Nguyên.

nuongthit-1715244672.jpg
Mọi người cùng nhau chuẩn bị nướng thức ăn giữa rừng

Anh Mul K’Vang, người con của K’Ho bản địa cho chúng tôi nghe về thần núi phù hộ dân làng vào mùa lễ hội như lễ đâm trâu, mừng lúa mới…Yàng cũng về thăm buôn làng được các tiên nữ đưa về. Anh lại kể về những câu chuyện xa xưa những con đường muối, (ngày xưa trên cao nguyên muối rất hiếm nên thường những người đi buôn dưới vùng biển chở muối nên đổi lương thực, vàng bạc châu báu, thú rừng quý hiếm) nên hình thành những con đường muối.

Vào thời xa xưa, vùng cao nguyên Lâm Đồng thường làm ăn, giao thương với vương quốc Chăm pa. Tổ tiên người K’Ho làm ăn, buôn bán xuống Phan Rang, Nha Trang vì nhu cầu muối và sắt. Mùa khô, khi công việc đồng áng rảnh rỗi, họ tổ chức thành từng từng đoàn hoặc cả gia đình với chiếc gùi trên vai. Mỗi chuyến buôn có thể kéo dài cả tháng, xuống biển họ mang những sản phẩm của cao nguyên: gạc nai, ngà voi, dây mây, nghệ, hạt thông, thậm chí dắt thêm trâu, ngựa để chuyên chở muối, sắt về. Sau đó có thể trao đổi cho người dân trong buôn làng để lấy trâu, lấy gạo. Ví dụ một con trâu đổi 30 miếng sắt, hoặc một chén muối tương đương với một gùi gạo (40kg)… Dù buôn bán giao thương chưa chuyên nghiệp, nhưng người K’Ho luôn giữ chữ tín như một thương nhân chân chính, thấm sâu vào văn hóa, con người nơi đây. Mỗi chuyến đi buôn giống như du lịch, khám phá mang lại những điều thú vị. Một số câu chuyện được kể lại như truyền thuyết, cổ tích trong cộng đồng này.

k-vang-1715244789.jpg
Mul K'Vang người vẽ bản đồ rừng núi bằng những bước chân và tác giả

Giờ đây, Mul K’Vang làm nhiệm vụ dẫn đoàn đi thám hiểm những cung đường trên khắp núi rừng Tây Nguyên để tìm lại những cung đường, nhưng di tích mà cha ông mình đi qua. Anh để lại dấu chân như những tấm bản đồ trong rất nhiều khu rừng trên cao nguyên huyền bí. Dù đi rừng rất nhiều, nhưng đôi khi bị lạc trong rừng, tìm mãi mới thấy lối ra. Chính vì vậy, lần này lên đỉnh Brăh Yàng, cả đoàn cũng không dám ngủ trên đỉnh núi của Yàng mà nghỉ dưới lưng chừng để ngày hôm sau mới chinh phục, leo lên đỉnh núi.

Đêm giữa rừng sâu với nhiều trải nghiệm khó quên

Càng về khuya, đêm giữa đất trời cao nguyên càng thăm thẳm. Chúng tôi ngồi giữa rừng tối mịt mùng giữa cái lạnh buốt, ẩm ướt giữa rừng hoang. Trong không gian tịch mịch, tiếng chim gáy ban chiều cũng chìm vào giấc ngủ, chỉ còn những ánh lửa mờ ảo, toả khói vào không gian mênh mông. Khói vào những mùi thơm của rừng, của núi của cơm lam, của khoai và cả mùi bắp nướng.

dem-1715245220.jpg
Đi săn giữa màn đêm tĩnh mịch trong rừng sâu

Chúng tôi vẫn ngồi quay quần xung quanh đống lửa khi thì nghi ngút, lúc nồng đượm để nghe, để nhìn những nghi thức của người K’Ho với thần núi, thần rừng. Anh K'Brẻoh, cho biết khi mình đi rừng, trước lúc ăn uống thường phải mời thần núi, thần rừng bát cơm, chén rượu để những vị thần dùng trước giúp mọi người bình an. Bởi chúng mình là con cháu của Yàng nên khi đi rừng, đi núi lên thăm Yàng như những người con trở về thăm nhà, nên trước khi ăn uống cần bày tỏ lòng biết ơn và mời Yàng.

Màn đêm càng tĩnh mịch, không gian chìm sâu vào những ánh lửa mờ ảo. Những câu chuyện của người K’Ho về thần núi, thần rừng Brăh Yàng vẫn cứ tiếp diễn. Trong men say của đại ngàn, người nghe như chếnh choáng, ngất ngây những nét huyền diệu của cuộc sống miền cao. Người K’Ho đã sống lâu đời ở vùng đất này, nên vẫn giữ được nét văn hoá, phong tục, mang giá trị tinh thần vô giá của đồng bào mình. Đây chính là sự sống còn của một cộng đồng, một tộc người. Bởi, người K’Ho xưa và nay vẫn tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định. Thần Yàng, thần núi, thần rừng luôn phù hộ cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Giữa đêm, chúng tôi còn trải nghiệm độc đáo khi theo chân K’Brẻoh vào rừng săn bắt các loại heo rừng, nai, chim, thỏ…Đi suốt đêm chúng tôi chỉ phát hiện vài loại ếch, vài loài chim còn những loài thú lớn rất khó bắt gặp. Đêm giữa rừng thật hoang vắng, chỉ cần những tiếng động mạnh cũng làm vang động cả một góc rừng.

Cuộc sống của người K’Ho xưa liên quan đến săn bắt, hái lượm và khai thác lâm sản (những sản phẩm sẵn có của thiên nhiên) vẫn còn lưu giữ những đặc tính thô sơ, đơn giản từ thời nguyên thủy cho đến tận ngày nay.

di-rung-1715245388.jpg
Những người đi rừng đầy khó khăn, nguy hiểm rình rập

Ngủ qua đêm trong rừng sâu, cho đến khi những ánh bình minh xuyên qua kẽ lá chiếu thẳng xuống những bãi cỏ. Chúng tôi bắt đầu hành trình lên đỉnh núi Brăh Yàng. Trong hành trình lên đỉnh núi, anh Nhoi Mur tiếp tục kể chúng tôi nghe những câu chuyện huyền sử mà anh vẫn đang nghiên cứu, sưu tầm và kể lại. Ví dụ như cách chọn đất làm nhà: để bảy hạt gạo và bảy hòn than xuống đất lấy chén đậy lại, đặt một chén nước đầy bên cạnh. Qua đêm, nếu thấy voi, thì mảnh đất “có ma”, thì không dám làm nhà vì sợ tai họa, rủi ro; hoặc rót bốn chén nước đầy, đậy bằng lá lên, nếu hôm sau bị voi, cũng phải bỏ.

Nhà sàn ngày xưa thường là của gia đình giàu có và khá giả trong buôn. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên nghiêng ra ngoài nẹp tranh để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn mặt đất để phòng thú dữ. Kỹ thuật lắp nhà cổ truyền rất đơn giản: dùng cốt ngoạm để đặt cây hay cột khấc và dùng dây mây buộc lại. Mỗi một gia đình đều tự tìm kiếm vật liệu trong rừng, khi dựng nhà thì bà con dân làng đến làm giúp, nhằm gắn kết cộng đồng. Khi vào rừng lấy gỗ, gặp con đỏ hay con vượn kêu thì phải bỏ; bằng không, sẽ bị tai họa (cháy nhà, tật bệnh). Những kinh nghiệm của người xưa truyền lại giữa vùng rừng núi, giúp họ tồn tại, sống chung với cuộc sống hoang dã và tự nhiên.

Một số thủ tục buôn bán đất bằng cách đặt ranh giới bằng cây lớn, hay những tảng đá lớn để phân giống thủ tục sang nhượng hay mua bán. Sau đó, phải làm lễ cúng Yàng để ngài làm chứng cho sở hữu chủ mới.

brah-yang-1715245597.jpg
Chinh phục thành công đỉnh núi thiêng Brăh Yàng

Tạm biệt khu rừng thiêng nơi trú ngụ của thần linh, tạm biệt đỉnh núi Brăh Yàng, tạm biệt khung cảnh núi rừng trùng điệp, kỳ bí và thế hiểm trở, chúng tôi trở về với những người con của Yàng, của buôn làng. Đây là những chuyến mở khám phá du lịch rừng, núi, sinh tồn, vừa giữ nét đặc sắc của vùng dân tộc vừa mở ra những hướng phát triển du lịch rừng bền vững trên cao nguyên Di Linh./.

Lê Thuận