Theo đó, để chủ động ứng phó tình hình hạn hán, thiếu nước, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách chống hạn.
Cụ thể: Rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới; thực hiện tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước, khắc phục ngay các vị trí rò rỉ, thất thoát nước.
Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời; xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (rau, hoa, quả, cây công nghiệp...), đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Kiểm tra, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để triển khai giải pháp cấp nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để chủ động tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt.
Thực hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, theo phương châm 4 tại chỗ; huy động trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Theo UBND tỉnh, thời tiết nắng nóng xuất hiện từ tháng 2 và kéo dài đến nay. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất đạt từ 35,5 - 37,40C.
Lưu lượng dòng chảy trên sông suối rất thấp so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt dòng chảy trên sông Đăk Bla, đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, đạt thấp hơn từ 45 - 65%; trên sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô đạt thấp hơn từ 5 - 15%.
Tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xảy ra ở một số địa phương. Tính đến nay có khoảng 73,3ha cây trồng các loại ở thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà bị khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Trong đó, thành phố Kon Tum 19ha lúa; huyện Đăk Hà 54,3ha (gồm 2,9ha lúa và 51,4ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới đợt 4, đợt 5).
Về công trình cấp nước sinh hoạt, đã xảy ra khô hạn ở 117 giếng, tương ứng khoảng 116 hộ dân và 1 điểm trường tiểu học bị thiếu nước.
Theo số liệu quan trắc đến ngày 19/4, mực nước các hồ thủy lợi rất thấp so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, hồ Đăk Uy dung tích còn khoảng 13,34%; hồ Đăk Yên dung tích còn khoảng 19,65%; hồ Ia Bang Thượng dung tích còn khoảng 5,32%. Nhiều hồ chứa nhỏ chỉ còn lại phần dung tích chết (ngoài phần dung tích tính toán thiết kế tưới), như hồ Cà Tiên; hồ 6A, 6B; hồ C2, C3, C4; hồ C19.
Với lượng nước còn lại ở một số hồ chứa nhỏ khả năng sẽ không đủ lượng nước phục tưới cho diện tích cây trồng (đặc biệt là cây cà phê) nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài./.