Chuyện đời như cổ tích
Anh Út vốn là chàng trai nghèo sinh trưởng trong trong gia đình đông anh em. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã xa quê, bôn ba ra Hà Nội làm thuê kiếm sống, với mong muốn giúp đỡ bố mẹ phần nào.
Sau nhiều năm bôn ba cùng các tốp thợ xây ngoài Hà Nội, năm 2011, anh Út được người thân giới thiệu đến làm việc tại một trang trại ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại đây, anh học được rất nhiều kiến thức quý giá về kỹ thuật chăm sóc cây giống. Cũng từ đó đã đưa anh bước sang trang mới của cuộc đời.
Anh Út xúc động kể lại: “Lúc được giới thiệu đến chỗ làm mới, xa bạn bè, tôi cũng buồn lắm, nhưng được biết chỗ đó là trang trại vườn cây ăn quả, tôi lập tức đồng ý ngay, vì tôi biết cơ hội của tôi tới rồi. Ở quê, đất rộng nhưng rất ít mô hình phát triển kinh tế, tôi đã tự nhủ với lòng phải cố gắng làm việc, học tập để sau này về quê mở trang trại làm ông chủ”.
Sau năm 5 miệt mài làm việc tại vườn cây, anh Út nẵm vững các kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Từ những khâu nhỏ nhất như cắt, tỉa cành, đến những bước quan trọng là ghép, bắt bệnh cho cây, mỗi một khâu đều được anh chăm chỉ học tập, ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ nhỏ. Biết anh là người ham học, nên ông chủ rất vui vẻ và nhiệt tình hướng dẫn. Không chỉ có vậy, với bản tính thật thà chất phác, anh Út đã được con gái ông chủ yêu quý. Biết anh vẫn còn độc thân, ôm hoài bão lớn nên chị đã đồng ý cùng anh kết duyên để tiếp tục viết tiếp những ước mơ còn dang dở. Cũng từ đó, anh Út như một nhân vật có thật bước ra từ câu chuyện cổ tích.
Từ khi kết duyên cùng con gái ông chủ, bạn bè thường đặt cho anh biệt danh “anh Khoai”, như thể tóm tắt ngắn gọn về cuộc đời, số phận của chàng trai miền quê nghèo khó, lương thiện, với đức tính siêng năng, cần cù, luôn có niềm tin thì may mắn sẽ chào đón.
Anh Út chia sẻ: “Ban đầu, bạn bè gọi tôi là anh Khoai, tôi cũng ngại lắm, nhưng dần thành quen, vốn có tính tự lập nên tôi không muốn dựa dẫm vào gia đình vợ, hiểu được suy nghĩ của tôi, sau khi cưới xong, vợ đã thu xếp theo tôi về quê gây dựng sự nghiệp”.
Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp
Sau 20 năm tha phương, chàng trai trẻ năm nào đã cùng vợ về quê để phát triển kinh tế. Từ khi "khởi nghiệp", anh Út đã xác định làm kinh tế tổng hợp, gia đình anh vừa nuôi bò vừa trồng cây ăn quả để phòng khi thứ này rủi ro còn thứ khác gồng gánh.
Anh Út đã mạnh dạn thuê 2 ha đất công ích của xã để xây dựng trang trại, trên đó anh trồng ổi găng Đông Dư và bưởi tiến vua, phần đất còn lại, anh tận dụng trồng cỏ để nuôi bò. Với đặc tính cây ổi Đông Dư sinh trưởng nhanh, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc tốt nên chỉ sau 2 năm, ổi của anh đã bắt đầu cho thu hoạch.
Số tiền kiếm được từ vụ ổi đầu tiên không chỉ giúp anh Út trả hết nợ, mà còn dư ra để thuê thêm đất tiếp tục trồng ổi, đồng thời mua thêm bò. Hiện tại, trang trại nhà anh đã có hơn 2.000 gốc ổi găng, 200 gốc bưởi tiến vua và 10 con bò.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc ổi, anh Út cho biết: “Để cho vườn ổi đạt hiệu quả cao nhất, ngoài kỹ thuật chăm sóc, bón phân đúng thời vụ ra, còn đặc biệt chú ý đến quá trình phát triển của bộ rễ cây. Thông thường, khi cây bắt đầu ra bói phải cắt hết, để cho bộ rễ sinh trưởng mạnh mới cho ra quả. Ngoài ra, việc phát hiện sâu bệnh cho cây cũng rất quan trọng”.
Không chỉ nắm vững kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, anh Út còn có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Những kiến thức này đa số được tích lũy, học tập từ những năm tháng làm thuê kiếm sống. Nên đàn bò nhà anh từ việc phối giống đến tiêm chủng anh đều tự tay thực hiện. Về kỹ thuật chăn nuôi anh Út cho biết: “Ngoài việc chu cấp thức ăn thường xuyên cho đàn, cần để ý các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, cũng cần có một nguồn thức ăn dự phòng trong mùa đông. Hiện, tôi đã nghiên cứu ra phương thức ủ cỏ dự trữ đến tận 8 tháng”.
Với đặc tính 1 năm cho 2 vụ, chỉ tính riêng vườn ổi nhà anh Út đã cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Do ổi sạch nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm không khó, các siêu thị, thương lái đến tận nơi để thu mua. Ngoài ra, vào những dịp cuối năm anh còn xuất được số lượng lớn bưởi tiến vua ra thị trường.
Nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, anh Út tận dụng được hết các sản phẩm từ vườn như một vòng tuần hoàn khép kín. Chất thải từ đàn bò được ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng xanh tốt. Trái lại, những cành cây khi được cắt tỉa, lấy lá che phủ để ủ cỏ dự trữ cho bò rất tốt.
Từ những thành công nêu trên, trang trại của anh Út trở thành mô hình điển, là nơi tham quan, học tập của Tỉnh đoàn Thanh Hóa và Hội Nông dân các xã, huyện trên địa bàn...